Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã rời thủ đô vào đêm trước cuộc biểu tình lớn ngày 22/12 và đúng như thủ lĩnh phe đối lập tuyên bố, các cuộc biểu tình đã làm tê liệt giao thông gần như toàn thành phố Bangkok.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã rời thủ đô vào đêm trước cuộc biểu tình lớn ngày 22/12 và đúng như thủ lĩnh phe đối lập tuyên bố, các cuộc biểu tình đã làm tê liệt giao thông gần như toàn thành phố Bangkok.
Bà Shinawatra đã rời thủ đô Bangkok trước cuộc biểu tình lớn của phe đối lập.
Bà Shinawatra đã lên tàu hỏa từ Bangkok đến thăm và làm việc tỉnh Nong Khai, đông bắc Thái Lan. Trong chuyến đi, quyền Thủ tướng Chính phủ cho các phóng viên thấy trên máy tính bảng của bà hiển thị hình ảnh từ camera giám sát dinh cơ ở Bangkok.
Vào lúc bà Shinawatra vắng mặt, phe đối lập đã tổ chức tại đây cuộc biểu tình "nữ". Hàng trăm phụ nữ tụ tập bên dinh thủ tướng với những bông hoa giấy màu trắng, ở Thái Lan được dùng khi tiễn đưa người đã khuất.
Hoạt động biểu tình diễn ra cả ở nhiều khu vực khác trong thành phố vào ngày 22/12. Ước tính hàng chục nghìn người Thái Lan lại xuống đường tuần hành. Mục tiêu của phong trào là lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, bị đối lập cáo buộc là người thực thi mệnh lệnh của anh trai, cựu Thủ tướng Thaksin, hiện đang sống lưu vong. Đoàn tuần hành ôn hòa đi ngang qua trung tâm thành phố và khu phố lịch sử của Bangkok, khiến một phần lớn thủ đô Thái Lan bị tê liệt. Theo cảnh sát, khoảng 150.000 người đã tham gia vào cuộc biểu tình.
Trước đó, ngày 21/12, đảng Dân chủ đối lập tuyên bố tẩy chay bầu cử. Quyết định không bất ngờ của đối lập khiến Thái Lan lún sâu vào khủng hoảng chính trị.
Trong cuộc trả lời họp báo ngày 22/12, Thủ tướng Yingluck Shinawatra lấy làm tiếc vì thái độ cứng rắn đến cùng của đối lập. “Nếu các vị không chấp nhận chính phủ này, thì ít nhất cũng phải chấp nhận hệ thống hiện có... Nếu chúng ta không tôn trọng nền dân chủ, thì chúng ta còn biết dựa vào cái gì khác”, bà cho hay.
Hiện tại, quân đội Thái Lan từ chối can thiệp vào khủng hoảng. Một lãnh đạo chủ chốt của đối lập, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, bị điều tra về tội giết người trong thời gian cuộc khủng hoảng mùa xuân 2010. Vào thời điểm đó, ông Suthep đã bật đèn xanh cho việc đàn áp những người biểu tình Áo Đỏ, ủng hộ Thaksin. Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, cũng bị khởi tố vì tội giết người.
Đảng Dân chủ, được coi là đảng chính trị lâu đời nhất tại Thái Lan, chưa bao giờ giành được đa số trong các cuộc bầu cử Quốc hội kể từ 20 năm nay. Đảng này đã từng tẩy chay cuộc bầu cử năm 2006. Theo giới quan sát, nếu diễn ra bầu cử vào tháng 2/2014, đảng cầm quyền Puea Thái chắc chắn sẽ lại giành thắng lợi.
Theo AFP, Voice of Russia