Ngày 14/12, Tư lệnh tối cao quân đội Thái Lan Thanasak Patimaprakorn đã bác lời kêu gọi của thủ lĩnh biểu tình đối lập muốn quân đội can thiệp hỗ trợ người biểu tình lật đổ chính phủ và thiết lập một "Hội đồng nhân dân" không thông qua bầu cử.
Ngày 14/12, Tư lệnh tối cao quân đội Thái Lan Thanasak Patimaprakorn đã bác lời kêu gọi của thủ lĩnh biểu tình đối lập muốn quân đội can thiệp hỗ trợ người biểu tình lật đổ chính phủ và thiết lập một “Hội đồng nhân dân” không thông qua bầu cử.
Thủ lĩnh lực lượng biểu tình Thái Lan Suthep Thaugsuban (áo trắng, giữa) trước cuộc gặp với các quan chức quân đội ở Bangkok ngày 14/12. (Nguồn: AFP/ TTXVN) |
Đáp lại những lời kêu gọi “sát cánh bên cạnh nhân dân” của thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban, Tư lệnh Patimaprakorn cho biết “con đường tốt nhất để giải quyết vấn đề là thông qua thương lượng."
Vị Tư lệnh nhấn mạnh quân đội Thái Lan cần phải tuân thủ đúng luật pháp, đặc biệt trong tình hình bất ổn hiện tại. Theo ông, các quan sát viên trung lập nên giám sát cuộc bầu cử và đảm bảo rằng cuộc bầu cử diễn ra theo đúng dự kiến vào ngày 2/2/2014.
Phát biểu trên được đưa ra tại một diễn đàn có sự tham dự của những người đứng đầu lục quân, hải quân và không quân Thái Lan, song không có phía chính phủ và các nhóm thân ông Thaksin.
Những ngày gần đây, ông Suthep đã bắt đầu đẩy mạnh nỗ lực tìm kiếm các cuộc tiếp xúc với giới lãnh đạo cấp cao quân sự nhằm lôi kéo sự ủng hộ từ phía quân đội.
Trước đó, sáng 9/12, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tuyên bố giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử "ngay khi có thể" nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực giải tỏa căng thẳng của Thủ tướng Yingluck, thủ lĩnh biểu tình Suthep khẳng định mục tiêu của người biểu tình không phải chỉ là giải tán quốc hội và cho rằng mọi việc chỉ có ý nghĩa khi chính phủ tạm quyền hiện nay từ chức để thành lập một Hội đồng nhân dân nhằm thực hiện cải cách chính trị trước khi bầu ra một chính phủ mới.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, Hội đồng nhà nước Thái Lan, cơ quan pháp lý của chính phủ nước này, đã khẳng định rằng việc hoãn cuộc bầu cử sắp tới là không thể được bởi hiến pháp hiện nay quy định phải tổ chức một cuộc bầu cử trong vòng 60 ngày sau khi giải tán quốc hội.
Mọi hành động đòi thay đổi ngày bầu cử đều là vi phạm hiến pháp. Những tranh cãi chính trị có thể được giải quyết bằng đối thoại cả trước và sau cuộc bầu cử.
Theo Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Towichakchaikul, có hơn 40 quốc gia đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử này./.
(TTXVN)