Hội đồng điều hành Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) ngày 17/12 đã thông qua quyết định tiêu hủy những thành phần nguy hiểm nhất trong kho vũ khí hóa học của Syria trên biển.
Hội đồng điều hành Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) ngày 17/12 đã thông qua quyết định tiêu hủy những thành phần nguy hiểm nhất trong kho vũ khí hóa học của Syria trên biển.
Các thanh sát viên lấy mẫu kiểm tra tại Syria. (Ảnh: AP) |
Phát biểu sau cuộc họp diễn ra tại La Hay (Hà Lan), Phó đại diện thường trực của Nga tại OPCW Vasily Tituskin cho biết theo kế hoạch trên, khoảng 500 tấn vũ khí hóa học thuộc nhóm nguy hiểm nhất của Syria sẽ được các tàu của Đan Mạch và Na Uy vận chuyển từ cảng Latakia, Tây Bắc Syria tới một cảng của Italy, sau đó được chuyển lên tàu MV Cape Ray của Mỹ để tiêu hủy ngoài biển. Quá trình tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria sẽ được thực hiện bằng phương pháp thủy phân và sẽ kết thúc ngày 31/3/2014.
Nga sẽ đảm bảo an ninh vùng biển khu vực cảng Lakatia cũng như hải phận Syria trong khuôn khổ hoạt động hỗ trợ quá trình tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria. Ngoài ra, Nga cũng tham gia cung cấp thiết bị và vật liệu để vận chuyển số vũ khí hóa học trên lãnh thổ Syria tới cảng Latakia.
Trong một diễn biến liên quan, theo hãng tin Anh Reuters, các nước phương Tây lần đầu tiên đã tỏ dấu hiệu cho phe đối lập Syria hiểu rằng hội nghị quốc tế về Syria, diễn ra vào tháng tới, có thể không dẫn tới "sự ra đi" của Tổng thống Bashar al-Assad.
Hãng tin Reuter dẫn lời một thành viên cấp cao thuộc phe đối lập Syria, cho biết thông điệp trên được các nước phương Tây gửi tới giới lãnh đạo Liên minh dân tộc đối lập Syria tại cuộc gặp nhóm gọi là "Những người bạn của Syria" ngày 13/12 vừa qua ở London (Anh). Tham dự cuộc gặp này có đại diện 11 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ... Theo nguồn tin này, các nước phương Tây cho rằng sự ra đi của ông Assad vào thời điểm hiện tại có thể dẫn tới tình trạng hỗn loạn ở Syria, sau đó là nguy cơ các phần tử Hồi giáo cực đoan lên nắm quyền. Những lo ngại trên xuất phát từ thực tế là tại Syria, các nhóm Hồi giáo cực đoan, kể các các nhóm thuộc tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda, đang gia tăng hoạt động.
Nguồn tin này còn cho biết thậm chí một số nước phương Tây còn không phản đối ông Assad tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2014./.
TTXVN