Nhật Bản có kế hoạch chi 240 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng trong 5 năm tới và sẽ bổ sung hàng loạt máy bay, tàu ngầm... nhằm đẩy mạnh phòng thủ ở các đảo xa trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đang căng thẳng.
Nhật Bản có kế hoạch chi 240 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng trong 5 năm tới và sẽ bổ sung hàng loạt máy bay, tàu ngầm... nhằm đẩy mạnh phòng thủ ở các đảo xa trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đang căng thẳng.
Nội các của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã nhất trí chi 24,7 nghìn tỷ yên (240 tỷ USD) cho ngân sách quốc phòng trong giai đoạn 2014-2019, trong đó có việc chi cho các máy bay do thám, tàu ngầm, máy bay chiến đấu và phương tiện lội nước, trong một sự thay đổi chiến lược về phía đông và phía nam.
Các đường lối quốc phòng mới được nội các Nhật phê chuẩn ngày 17/12 nói rằng Tokyo sẽ thành lập "lực lượng vũ trang phối hợp năng động" , nhằm trợ giúp các lực lượng trên biển, trên không và đất liền phối hợp với nhau hiệu quả hơn.
"Trung Quốc... đang có hành động nguy hiểm, vốn có thể gây ra các tình huống bất ngờ", tài liệu viết.
Cụ thể, theo chương trình quốc phòng trung hạn, ngân sách quốc phòng sẽ tăng lên 24,7 nghìn tỷ yên trong 5 năm kể từ tháng 4/2014, tăng 5% so với 5 năm trước.
Tuy nhiên, con số trên sẽ bị cắt giảm tới 700 tỷ yên nếu bộ quốc phòng có thể thực hiện các biện pháp "hiệu quả và hợp lý" trong việc mua sắm.
Nhật sẽ mua các vũ khí mới, bao gồm 3 máy bay do thám, 52 phương tiện lội nước, 17 trực thăng Osprey, 5 tàu ngầm - tất cả đều nhằm đẩy mạnh trinh sát biển và phòng thủ các hòn đảo.
Nhật Bản cũng sẽ mua 2 tàu khu trục được trang bị hệ thống chống tên lửa Aegis và 28 máy bay chiến đấu F-35 mới, dòng chiến đấu cơ hiện đại hơn nhiều so với các máy bay F-15 hiện đang phục vụ trong quân đội Nhật.
Danh sách mua sắm nằm trong các nỗ lực của ông Abe nhằm bình thường hóa quân đội tại Nhật, vốn duy trì hiến pháp hòa bình kể từ sau Thế chiến II. Các cơ quan chuyên nghiệp và được trang bị tốt của quân đội nước này cũng bị hạn chế bởi vai trò phòng vệ.
Động thái trên diễn ra sau khi Nhật Bản thành lập hội đồng an ninh quốc gia kiểu Mỹ, dự kiến tập trung sức mạnh lớn hơn vào một nhóm nhỏ hơn các chính trị gia và quan chức cấp cao.
Các lo ngại đang gia tăng tại Nhật về sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc, khi hai nước vướng vào cuộc tranh chấp vì chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, và mối đe dọa từ Triều Tiên.
Theo AFP