Ngày 30/11, những người biểu tình chống chính phủ tại khu liên hiệp trụ sở cơ quan nhà nước ở phía Bắc Bangkok (Thái Lan) đã tuần hành qua Cục điều tra đặc biệt của cảnh sát cùng hai hãng điện thoại nhà nước là CAT Telecom và TOT.
Ngày 30/11, những người biểu tình chống chính phủ tại khu liên hiệp trụ sở cơ quan nhà nước ở phía Bắc Bangkok (Thái Lan) đã tuần hành qua Cục điều tra đặc biệt của cảnh sát cùng hai hãng điện thoại nhà nước là CAT Telecom và TOT.
Những người biểu tình chống chính phủ tập hợp lực lượng tại khu liên hợp trụ sở cơ quan nhà nước ở phía Bắc Bangkok. (Ảnh: Vietnam+) |
Tại những điểm này họ đã tràn vào trong khuôn viên trong một thời gian ngắn. Trước khi rút đi, những người biểu tình đã dùng xích khóa cửa nhằm ngăn cản các nhân viên của những cơ quan này tới làm việc.
Tất nhiên ở những nơi người biểu tình đi qua họ điều cắt điện, nước và thậm chí cả đường Internet của hai hãng điện thoại.
Thủ lĩnh biểu tình tại khu vực này Suthep Thaugsuban đã bất ngờ đẩy mạnh phong trào biểu tình chống chính phủ của mình với tuyên bố "sẽ giành chiến thắng trong hai ngày cuối tuần" bằng việc chiếm một loạt trụ sở cơ quan nhà nước quan trọng và thậm chí cả tòa nhà chính phủ.
Mục tiêu của ông Suthep vẫn là làm ngưng trệ các hoạt động của chính phủ Yingluck Shinawatra và dự kiến ông ta cũng sẽ tuyên bố thắng lợi của mình vào ngày mai.
Phong trào biểu tình chống chính phủ của ông Suthep dường như đang giành được sự ủng hộ và phối hợp của những người thuộc phe áo vàng trước đây.
Họ đã thành lập một Ủy ban Nhân dân vì nền dân chủ hoàn toàn ở Thái Lan dưới chế độ quân chủ lập hiến, với 37 thành viên.
Ủy ban này đã nhất trí mục tiêu đấu tranh là loại bỏ hoàn toàn chế độ Thaksin mà đại diện là chính quyền hiện nay.
Sau khi chiếm một số cơ quan chính quyền vào hôm nay, người biểu tình dự kiến sẽ giành các mục tiêu như Phủ thủ tướng, Cơ quan cảnh sát quốc gia, Nha cảnh sát Bangkok, các bộ Giáo dục, Lao động, Nội vụ, Thương mại và Ngoại giao. Cục quan hệ công chúng cũng sẽ nằm trong mục tiêu tấn công của họ.
Sau khi hoàn thành những mục tiêu tấn công này, người biểu tình sẽ kêu gọi toàn bộ công chức, viên chức nghỉ việc vào ngày 2/12 để chính phủ tê liệt không hoạt động được.
Phản ứng trước những kế hoạch của người biểu tình, Phó Thủ tướng Thái Lan phụ trách an ninh Pracha Promnok đã khẳng định lại rằng chính phủ sẽ không sử dụng vũ lực để giải tán người biểu tình, đồng thời kêu gọi các thủ lĩnh biểu tình đối thoại với chính quyền.
Ông này nói rằng chính phủ đã thành lập một nhóm đối thoại và việc thương lượng đang bắt đầu, nhưng không tiết lộ công khai các chi tiết. Ông Pracha khẳng định cá nhân ông đã liên lạc với đảng Dân chủ đối lập và với cả ông Suthep.
Phó Thủ tướng Pongthep Thepkanchana, trước đó, đã nói rằng những yêu cầu của người biểu tình và của ông Suthep về việc thành lập một hội đồng nhân dân để mở đường tiến tới hình thành chính phủ của nhân dân là không thể thực hiện được vì vi phạm hiến pháp.
Theo ông này chừng nào hiến pháp năm 2007 vẫn còn hiệu lực, thì yêu cầu của thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban sẽ không trở thành hiện thực. Trong đạo luật cao nhất của đất nước không có điều khoản nào cho phép thành lập một hôi đồng nhân dân, chính phủ nhân dân thậm chí cả tòa án nhân dân như ông ta kêu gọi.
Ông Pongthep nói rằng việc chiếm đóng trụ sở cơ quan chính quyền là phạm pháp và tòa án đã phê chuẩn lệnh bắt giữ các thủ lĩnh biểu tình. Những người tham gia biểu tình chống chính quyền nên biết rằng việc chiếm giữ trụ sở cơ quan nhà nước là vi phạm luật pháp.
Cùng ngày 30/11, nhóm người biểu tình chống chính phủ tại khu vực xung quanh tòa nhà chính phủ đã không di chuyển để chuẩn bị cho hành động vào ngày mai.
Theo kế hoạch nhóm người biểu tình sẽ chia làm ba hướng, một đi đến Trụ sở cảnh sát quốc gia, một đi đến Nha cảnh sát Bangkok và một đi tới Bộ Giáo dục và Bộ Lao động.
Trong một diễn biến mới nhất, Văn phòng Tổng chưởng lý Thái Lan đã chấp nhận xem xét để kiến nghị Tòa án Hiến pháp có phán quyến về việc phát động biểu tình của ông Suthep có vi phạm điều 68 của hiến pháp hiện nay hay không.
Điều 68 của hiến pháp hiện nay quy định cấm bất cứ cá nhân hay tổ chức nào muốn lật đổ chế độ và thực hiện các biện pháp vi hiến để giành quyền lực.
Đơn kiến nghị lên Văn phòng Tổng chưởng lý viết rằng người biểu tình đang cố gắng lật đổ chính quyền hợp pháp thông qua các biện pháp vi hiến, bao gồm chiếm trụ sở cơ quan chính quyền và thiết lập cái gọi là hội đồng nhân dân để giành chính quyền./.