Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng chục nghìn người biểu tình tại thủ đô Seoul

03:12, 29/12/2013

Ước tính có hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình tại trung tâm thủ đô Seoul chiều tối ngày 28/12 để phản đối quyết định của chính phủ thành lập một công ty con trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Hàn Quốc (KORAIL).

Ước tính có hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình tại trung tâm thủ đô Seoul chiều tối ngày 28/12 để phản đối quyết định của chính phủ thành lập một công ty con trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Hàn Quốc (KORAIL).

Những người phản đối cho rằng quyết định này là dấu hiệu của việc tư nhân hóa ngành đường sắt, có thể kéo theo việc sa thải hàng loạt lao động trong ngành này.
Từ khoảng 18 giờ cùng ngày, công nhân ngành đường sắt Hàn Quốc và những người ủng hộ đã tập trung rất đông tại khu vực quảng trường Seoul, trung tâm thủ đô Seoul, khiến cho giao thông ở khu vực này tắc nghẽn và dần trở nên hỗn loạn.

Cảnh sát Hàn Quốc cố trấn áp người biểu tình để xông vào văn phòng Tổng liên đoàn lao động dân chủ ngày 22/12. (Nguồn: Reuters/Yonhap)
Cảnh sát Hàn Quốc cố trấn áp người biểu tình để xông vào văn phòng Tổng liên đoàn lao động dân chủ ngày 22/12. (Nguồn: Reuters/Yonhap)

Theo ước tính của cảnh sát tại hiện trường, số người biểu tình vào khoảng 20.000 người, tuy nhiên quan sát trực tiếp có thể thấy con số này có thể lên tới hàng trăm nghìn người.

Chính quyền Seoul đã phải huy động hàng chục nghìn cảnh sát chống bạo động với nhiều xe đặc chủng của cảnh sát xếp thành hàng rào vây kín hai bên lề đường, chỉ để cho người biểu tình tuần hành trong khu vực dành cho người đi bộ.

Những người biểu tình mang theo cờ và biểu ngữ phản đối tư nhân hóa ngành đường sắt, kêu gọi chính phủ và lãnh đạo ngành đường sắt trở lại bàn đàm phán với công đoàn ngành đường sắt. 

Đã xảy ra đụng độ giữa cảnh sát với những người biểu tình, tuy nhiên hiện chưa có thông báo chính thức về số người bị thương cũng như bị bắt giữ. 

Những người biểu tình cũng đe dọa sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tuần hành phản đối từ nay tới ngày 25/2 tới - là ngày kỷ niệm Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhậm chức tròn một năm, chừng nào chính phủ và giới lãnh đạo ngành đường sắt đồng ý quay trở lại bàn đàm phán với công đoàn.

Cuộc biểu tình trên nổ ra sau khi Bộ Địa chính, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc đêm ngày 27/12 đã cấp giấy phép thành lập một công ty cổ phần là công ty con trực thuộc KORAIL để điều hành tuyến tàu cao tốc KTX xuất phát từ ga Suseo ngay sau khi cuộc họp trước đó giữa giới chức quản lý và lãnh đạo công đoàn ngành đường sắt thất bại. 

Phản ứng trước quyết định trên, Chủ tịch công đoàn lao động đường sắt Kim Myung-hwan đã tổ chức họp báo ngày 28/12, tuyên bố không chấp nhận việc cấp phép, cho rằng quyết định trên của chính phủ là "gây chiến" với người dân và công đoàn này sẽ kiện lên tòa án để yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của giấy phép. 

Theo ông Kim, quy trình thủ tục cấp phép diễn ra quá nhanh, không kỹ lưỡng, trong khi vốn điều lệ của công ty cổ phần nói trên chỉ có 5 tỷ won (tương đương 4,7 triệu USD) còn số nhân viên chưa đến 20 người. 

Ban lãnh đạo Tổng liên đoàn lao động dân chủ Hàn Quốc cũng tuyên bố cắt đứt mối quan hệ giữa người lao động với chính phủ và rút khỏi mọi hoạt động trong các ủy ban của chính phủ. Đặc biệt, họ cho biết đã tiến hành biểu quyết chọn các ngày 9 và 16/1 tới là ngày tổng đình công lần hai và lần ba. 

Trong khi đó, chính phủ cho rằng điều này không đồng nghĩa với việc tư nhân hóa ngành đường sắt mà là để nâng cao tính cạnh tranh, phát triển ngành đường sắt Hàn Quốc và người được lợi cuối cùng chính là người dân. 

Tuy nhiên, trước áp lực các cuộc đình công có nguy cơ ngày càng lan rộng, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won ngày 28/12 đã phải tổ chức cuộc họp Bộ trưởng các bộ liên quan như Bộ Kế hoạch và tài chính, Bộ Địa chính, Hạ tầng và Giao thông, Bộ Lao động và Việc làm để bàn bạc hướng giải quyết.

Tại cuộc họp, ông Chung đã yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật nghiêm khắc đối phó với nguy cơ đình công lan rộng và có thể kéo theo bạo lực trong bối cảnh lãnh đạo liên đoàn lao động tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc biểu tình quy mô lớn tại thủ đô Seoul trong dịp cuối tuần. 

Cũng trong ngày 28/12, lãnh đạo KORAIL đã tổ chức cuộc họp và quyết định bàn giao công tác xử lý kỷ luật 490 người trong ban lãnh đạo Công đoàn lao động đường sắt cho Ủy ban kỷ luật. Theo đó, hình thức kỷ luật có thể thay đổi tùy theo mức độ trợ giúp đình công, thời gian quay lại làm việc..., thậm chí những người này sẽ bị sa thải hoặc cách chức, phải bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm hình sự hoặc dân sự.

Trước đó, chính phủ và giới chức quản lý ngành đường sắt đã có những biện pháp cứng rắn nhất định nhằm buộc những người đình công quay trở lại làm việc song không mang lại kết quả. 

Ngày 22/12, cảnh sát đã cố trấn áp người biểu tình để xông vào văn phòng Tổng liên đoàn lao động dân chủ nhằm bắt giữ chín người trong ban lãnh đạo của Công đoàn lao động đường sắt thuộc Tổng liên đoàn lao động dân chủ nhưng không thành công.

Chín người này trước đó đã bị tòa án ban lệnh bắt giữ với tội cản trở người thi hành công vụ. 

Đây cũng là lần đầu tiên cảnh sát tấn công văn phòng của Tổng liên đoàn lao động dân chủ Hàn Quốc kể từ khi văn phòng này được thành lập năm 1995. 

Nổ ra từ ngày 9/12, đây là cuộc đình công kéo dài nhất từ trước đến nay của công nhân ngành đường sắt Hàn Quốc.

Cuộc đình công cũng đã gây thiệt hại đáng kể cho ngành đường sắt nước này. KORAIL đã phải giảm bớt dịch vụ trên các chuyến tàu vận chuyển hành khách, trong khi lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt giảm xuống chỉ còn bằng 30% mức trung bình và có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến cả ngành vận tải biển do lượng hàng hóa trung chuyển bằng đường sắt đến các cảng biển bị gián đoạn. 

Bản thân KORAIL ngày 26/12 đã phải công bố kế hoạch tuyển dụng thêm 660 lái tàu, thợ máy và nhân viên phục vụ trên tàu để bổ sung lượng nhân công bị thiếu hụt do cuộc đình công của Công đoàn lao động đường sắt kéo dài./.

(TTXVN)

 

Tin xem nhiều