Báo Đồng Nai điện tử
En

Ai Cập: Đảng Salafist Nour kêu gọi bỏ phiếu Hiến pháp mới

11:12, 06/12/2013

Đảng Hồi giáo Salafist Nour có quan điểm cứng rắn ngày 5/12 đã hối thúc người dân Ai Cập bỏ phiếu ủng hộ Hiến pháp mới trong cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra vào cuối tháng này hoặc trong tháng Giêng tới.

Đảng Hồi giáo Salafist Nour có quan điểm cứng rắn ngày 5/12 đã hối thúc người dân Ai Cập bỏ phiếu ủng hộ Hiến pháp mới trong cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra vào cuối tháng này hoặc trong tháng Giêng tới.

Dòng người biểu tình tập trung tại quảng trường Tahrir, thủ đô Cairo ngày 1/12. (Nguồn: THX/TTXVN)
Dòng người biểu tình tập trung tại quảng trường Tahrir, thủ đô Cairo ngày 1/12. (Nguồn: THX/TTXVN)

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Chủ tịch đảng Salafist Nour Younes Makhyoun cho biết đảng này sẽ tham gia cuộc trưng cầu ý dân và bỏ phiếu "có" cho bản Hiến pháp mới được sửa đổi và thông qua hôm 3/12 vừa qua, vì lợi ích của toàn thể người dân Ai Cập, cũng như vì sự ổn định và phát triển của đất nước.

Thủ lĩnh của đảng Hồi giáo này cũng khẳng định lộ trình chuyển tiếp sau cuộc chính biến ngày 3/7 lật đổ chính quyền của Tổng thống Mohamed Morsi là "một thực tế mới không thể phủ nhận hoặc bỏ qua," đồng thời nhấn mạnh rằng bản Hiến pháp mới đáp ứng nguyện vọng của người dân Ai Cập trong thời điểm khó khăn hiện nay và là bước đi đầu tiên nhằm khôi phục sự ổn định của đất nước. 

Quyết định trên được đưa ra bất chấp việc lực lượng này thất bại trong việc thúc đẩy một số điều khoản của Hiến pháp mới liên quan đến vai trò và ảnh hưởng của Luật Hồi giáo Sharia. 

Lực lượng an ninh Ai Cập triển khai tại quảng trường Tahrir, thủ đô Cairo sau khi giải tán người biểu tình. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Lực lượng an ninh Ai Cập triển khai tại quảng trường Tahrir, thủ đô Cairo sau khi giải tán người biểu tình. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đảng Salafist Nour được thành lập sau cuộc chính biến lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak vào đầu năm 2011 và giành 1/5 số ghế trong cuộc bầu cử quốc hội cách đây 2 năm. Đây cũng là chính đảng Hồi giáo duy nhất ủng hộ việc lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi và có đại diện trong Ủy ban sửa đổi hiến pháp gồm 50 người. 

Trong diễn biến liên quan, ngày 5/12, phong trào Tamarod (Nổi dậy), lực lượng đứng sau làn sóng biểu tình hôm 30/6 vừa qua dẫn tới việc quân đội ra lệnh phế truất Tổng thống Mohamed Morsi, đã phát động chiến dịch vận động người dân bỏ phiếu ủng hộ Hiến pháp mới trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới. 

Trong một tuyên bố trên trang Facebook chính thức của mình, Tamarod cho biết quyết định này đã được văn phòng chính trị cũng như các chi nhánh địa phương của phong trào thông qua.

Trong khi đó, Liên minh Quốc gia Ủng hộ tính hợp pháp (NASL), lực lượng do tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) đứng đầu quy tụ 34 chính đảng và phong trào Hồi giáo đang đấu tranh đòi phục chức cho ông Morsi, tuyên bố bác bỏ toàn bộ tiến trình "bất hợp pháp" song không nói rõ lập trường tẩy chay cuộc trưng cầu ý dân sắp tới hay tham gia bỏ phiếu chống bản Hiến pháp mới. 

Về phần mình, ông Mohamed Abu Samra, Tổng thư ký đảng Hồi giáo, lực lượng có liên hệ với phong trào Thánh chiến Hồi giáo và là thành viên của NASL, cho biết sẽ cố gắng vận động người dân ngăn cản cuộc trưng cầu.

Xe cảnh sát Ai Cập bị đốt cháy ở Cairo bởi người biểu tình. (Nguồn: EPA)
Xe cảnh sát Ai Cập bị đốt cháy ở Cairo bởi người biểu tình. (Nguồn: EPA)

Trung tâm nghiên cứu luật pháp và bảo vệ đạo đức Hồi giáo Dar El-Ifta, cơ quan chính thức trong việc ra các sắc lệnh tôn giáo ở Ai Cập, đã từ chối ban hành sắc dụ kêu gọi bỏ phiếu ủng hộ Hiến pháp mới song khích lệ người Hồi giáo tham gia cuộc trưng cầu ý dân.

Trong khi đó, Đức giáo hoàng Tawadros II, người đứng đầu Nhà thờ Cơ đốc giáo Ai Cập, mô tả bản hiến pháp mới là "cân bằng" và kêu gọi các tín đồ tham gia cuộc bỏ phiếu sắp tới. 

Cũng trong ngày 5/12, Đài phát thanh quốc gia Ai Cập khởi động một chương trình mới với sự tham gia của các nhân vật nổi tiếng như diễn viên, chính trị gia và vận động viên nhằm kêu gọi người dân tham gia cuộc trưng cầu hiến pháp và bỏ phiếu "có" cho Hiến pháp mới.

Ngoài ra, chương trình phát thanh mới này dự kiến sẽ mời các thành viên của Ủy ban sửa đổi hiến pháp, các giáo sư khoa học chính trị và các chuyên gia hiến pháp để giải thích về các điều khoản và so sánh bản Hiến pháp mới với bản Hiến pháp do phe Hồi giáo soạn thảo và thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân tổ chức vào tháng 12/2012. 

Trong một diễn biến khác, ngày 5/12, NASL đã phát động các cuộc biểu tình mới trong hai ngày nghỉ cuối tuần 6-7/12 tới nhằm tưởng niệm những người biểu tình bị sát hại, cầm tù và thể hiện tình đoàn kết đối với cuộc đình công hiện nay.

Kể từ khi Tổng thống Morsi bị lật đổ, phe Hồi giáo đã tổ chức các cuộc biểu tình, tuần hành gần như thường nhật nhằm đòi phục chức cho nhà lãnh đạo này. 

Trong khi đó, các sinh viên của Đại học Cairo ở tỉnh Giza tuyên bố phát động cuộc lãn công vô thời hạn kể từ ngày 6/12 cho đến khi có sự xét xử với tất cả những người chịu trách nhiệm về cái chết của một sinh viên trong các cuộc đụng độ với cảnh sát hôm 28/11 vừa qua. 

Họ cũng đòi đưa Bộ trưởng Nội vụ Mohamed Ibrahim ra tòa và kêu gọi Bộ trưởng Giáo dục đại học Hossam Eisa từ chức.

Tại một cuộc họp báo được tổ chức ngày 5/12, các sinh viên đã bác bỏ tuyên bố mới đây của Văn phòng Tổng Công tố nói rằng nạn nhân trên bị chính những người biểu tình bắn chết. 

Sinh viên cũng yêu cầu chính quyền phóng thích ngay lập tức các sinh viên bị bắt giữ trong các vụ đụng độ mới đây, bồi thường cho các sinh viên bị thương vong và rút lại Luật biểu tình gây tranh cãi được ban hành hôm 24/11 vừa qua. 

Cuộc lãn công này là hành động leo thang mới nhất của các sinh viên sau một tuần bùng phát các cuộc biểu tình tại khuôn viên nhiều trường đại học trên khắp cả nước./.

Tin xem nhiều