Hội nghị thượng đỉnh "Đối tác phương Đông" tại thủ đô Vilnius của Litva đã bế mạc chiều 29-11 và chỉ đạt được kết quả khiêm tốn là việc ký thỏa thuận liên kết sơ bộ giữa Gruzia và Moldova với Liên minh châu Âu (EU) và một số thỏa thuận song phương khác.
Hội nghị thượng đỉnh "Đối tác phương Đông" tại thủ đô Vilnius của Litva đã bế mạc chiều 29-11 và chỉ đạt được kết quả khiêm tốn là việc ký thỏa thuận liên kết sơ bộ giữa Gruzia và Moldova với Liên minh châu Âu (EU) và một số thỏa thuận song phương khác. Sự kiện được chờ đợi sẽ nâng tầm ý nghĩa cho cả tổ chức là ký kết hiệp định liên kết giữa EU và Ukraine đã không diễn ra.
Tổng thống Ukraina Viktor Ianoukovitch (T) và các lãnh đạo Châu Âu, tại Thượng đỉnh Vilnius, Litva, 29-11-2013 |
Trong tuyên bố sau hội nghị, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich cho biết Ukraine và EU sẽ đàm phán về việc ký Thỏa thuận liên kết trong thời gian tới. Ông cũng kêu gọi soạn thảo kế hoạch hành động để loại bỏ mâu thuẫn trong hợp tác kinh tế thương mại với Nga và các nước Liên minh hải quan.
Tuy nhiên Tổng thống nước chủ nhà Litva, bà Dalia Grybauskaite tuyên bố EU sẽ không thay đổi bất kỳ điều kiện nào để ký thỏa thuận liên kết với Ukraine mặc dù cánh cửa liên kết với EU vẫn mở với Ukraine.
Hội nghị thượng đỉnh "Đối tác phương Đông" của Liên minh châu Âu (EU) khai mạc ngày 28-11, với nội dung chính là thảo luận tương lai của chương trình hợp tác này với 6 nước đối tác bao gồm: Azerbaijan, Armenia, Belarus, Gruzia, Moldova và Ukraine. Tham dự Hội nghị kéo dài trong hai ngày có nguyên thủ và bộ trưởng của 34 nước cùng với ban lãnh đạo EU. Việc Ukraine, nước lớn nhất trong số 6 đối tác, bất ngờ tuyên bố ngừng ký kết Hiệp định liên kết với EU ngay trước thềm Hội nghị đã khiến chương trình nghị sự bị đảo lộn. |
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Suls tỏ ý hoài nghi việc thỏa thuận liên kết của Ukraine với EU có thể được ký kết trong tương lai gần. Ông thừa nhận Ukraine có những vấn đề lớn về tài chính và năng lượng, tuy nhiên EU không thể và sẽ không giải quyết dù chỉ một phần những vấn đề này thay cho Ukraine.
Chủ tịch EU Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso bày tỏ sự đáng tiếc, tuy nhiên cam kết EU sẵn sàng nối lại đàm phán với Ukraine về vấn đề này vào bất kỳ thời điểm nào. Ông Barroso cũng bác bỏ đề nghị của Tổng thống Ukraine Viktor Yanucovich đàm phán ba bên EU-Ukraine-Nga về vấn đề liên kết mà chỉ đề ngỏ khả đàm phán ba bên EU-Ukraine-Nga về những vấn đề riêng biệt như kinh tế, thương mại hay năng lượng.
Ngoài vấn đề liên kết, tuyên bố chung của hội nghị cũng cho biết EU cam kết đẩy mạnh đưa các nước tham gia chương trình "Đối tác phương Đông" vào hệ thống năng lượng châu Âu và hỗ trợ cung cấp khí đốt dự trữ cho các nước này. Các nước tham gia chương trình "Đối tác phương Đông" gồm cả Ukraine sẽ nhận được hỗ trợ tài chính bổ sung từ EU để đổi lấy việc "thực hiện các điều kiện và cải cách tương ứng".
Tuyên bố chung cũng nêu rõ Chương trình "Đối tác phương Đông" của EU sẽ có yếu tố quân sự bổ sung, song không đề cập tới khả năng các nước tham gia trở thành thành viên EU.
(Theo AFP, Interfax)