Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) ngày 18/11 đã bắt đầu di dời các thanh nhiên liệu khỏi bể chứa tại lò phản ứng số 4 bị hư hại của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) ngày 18/11 đã bắt đầu di dời các thanh nhiên liệu khỏi bể chứa tại lò phản ứng số 4 bị hư hại của Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
Đây là một động thái nhằm xử lý một trong những mối nguy hại lớn tại nhà máy gặp sự cố sau thảm hoạ kép hồi tháng 3/2011 và cũng là công đoạn khó khăn nhất trong quá trình tháo dỡ nhà máy này.
Công nhân di rời các thanh nhiên liệu khỏi bể chứa ở lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daii-chi hôm 18/9. (Nguồn: TEPCO) |
Quá trình di dời các cụm nhiên liệu khỏi bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng tại lò phản ứng số 4 là một dấu mốc quan trọng hướng tới việc dỡ bỏ nhà máy Fukushima số 1. Công việc này đỏi hỏi sự tập trung cao độ nhằm ngăn chặn việc rò rỉ thêm phóng xạ ra ngoài môi trường.
Chủ tịch TEPCO Naomi Hirose cho biết công tác này là một bước quan trọng trong quá trình tháo dỡ nhà máy vốn được cho là sẽ mất tới 30-40 năm sau. Ông khẳng định TEPCO sẽ thực hiện công việc này một cách “an toàn” và “tuần tự”.
Vào hồi 3 giờ 18 phút chiều 18/11, các công nhân đã bắt đầu sử dụng thiết bị rút cụm nhiên liệu đầu tiên, có độ dài 4,5m, từ giá nhiên liệu nằm bên trong bể chứa có mực nước 12m. Theo tính toán, sẽ phải mất 40 phút để chuyển nhiên liệu vào một container cũng được đặt bên trong bể chứa này.
Một quan chức TEPCO cho biết 4 cụm nhiên liệu đã được đặt vào trong container mà không bị rung lắc cho đến khi thao tác kết thúc vào lúc 6 giờ 45 phút chiều cùng ngày. Thao tác di dời các thanh nhiên liệu chưa sử dụng sẽ diễn ra dễ dàng hơn so với nhiên liệu đã qua sử dụng.
Khi container đã chứa đầy 22 cụm nhiên liệu, các công nhân sẽ chuyển chúng sang một bể chứa trong một toà nhà cách đó khoảng 100m để duy trì trạng thái ổn định trong điều kiện nhiệt độ thấp. Dự kiến TEPCO sẽ phải mất khoảng một tuần để hoàn tất chu kỳ tác nghiệp.
Để tiến tới quá trình di dời khoảng 1.533 cụm nhiên liệu, trong đó có 202 cụm chưa qua sử dụng tại tổ máy số 4, TEPCO đã phải dọn dẹp một lượng lớn các đống đổ nát trên nóc nhà chứa lò phản ứng vốn là hệ quả của vụ nổ hơi nước cách đây hơn 2 năm.
TEPCO cho biết đã thử tiến hành thao tác di dời nhiên liệu từ các bể chứa đã qua sử dụng tới “hơn 1.200 lần” để đảm bảo chắc chắn rằng thiết bị xử lý nhiên liệu vừa được lắp đặt có một số cơ chế sẵn có nhằm ngăn chặn nguy cơ sơ ý làm rơi nhiên liệu.
Theo phân tích của TEPCO, ngay cả khi một cụm nhiên liệu bị vỡ và phát tán phóng xạ, nó sẽ không gây ra nguy cơ đáng kể nào cho các khu vực xung quanh nhà máy.
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp quy hạt nhân đã yêu cầu TEPCO phải “hết sức thận trọng” vì các bể chứa này vẫn còn một lượng nhỏ vật liệu đổ nát sau vụ nổ trước đây.
Trước đó, Chủ tịch Cơ quan pháp quy hạt nhân (NRA) Shunichi Tanaka cho biết “cần phải đảm bảo chắc chắn rằng cụm nhiên liệu không được lấy ra bằng lực tác động nếu nó bị mắc kẹt vì vật liệu đổ nát”.
Ông Tanaka cũng cho biết các cụm nhiên liệu xem ra không bị hư hại đáng kể nhưng ông không thể loại trừ khả năng “những vết sứt sẹo nhỏ lan rộng hơn” khi nhiên liệu được lấy ra ngoài và gây rò rỉ hơi phóng xạ.
Cuộc khủng hoảng hạt nhân năm 2011 bắt đầu khi tổ máy số 1 và 4 mất cơ chế làm mát khi sóng thần sau động đất tấn công nhà máy, phá hỏng các máy phát điện khẩn cấp.
Tổ máy số 4 bị nổ khí nhưng không bị nóng chảy nhiên liệu, không giống với lò phản ứng số 1,2 và 3, khi toàn bộ nhiên liệu của lò phản ứng số 4 được đặt trong bể chứa thanh nhiên liệu qua sử dụng vì lò phản ứng đang tiến hành công tác duy tu định kỳ.
Tuy nhiên, tình trạng của bể chứa nhiên liệu trên tầng cao nhất của toà nhà đổ nát là nguyên nhân chính gây lo ngại trong những ngày đầu tiên của cuộc khủng hoảng khi mực nước hạ xuống đủ thấp làm trơ các thanh nhiên liệu ra không khí.
TEPCO sau đó cho biết nhiên liệu của tổ máy số 4 có thể đã có tổn hại lớn. Việc di dời nhiên liệu tại tổ máy số 4 sẽ được tiến hành đến cuối năm 2014. TEPCO sau đó sẽ tiến tới di dời nhiên liệu từ các bể chứa của tổ máy số 1,2 và 3 và tìm cách di dời các thanh nhiên liệu bị nóng chảy bên trong các lò phản ứng sớm nhất là vào năm 2020.
Tuy nhiên, triển vọng thực hiện công tác này vẫn còn chưa mấy rõ ràng vì công nghệ vẫn tiếp tục được phát triển để thực hiện công tác tháo dỡ chưa từng có này.
Nhiên liệu trong ba tổ máy còn lại được cho là đã bị nóng chảy thông qua các bình áp lực của lò phản ứng và tích luỹ dưới đáy bể chứa tạm thời bên ngoài khiến cho công tác dỡ bỏ nhiên liệu gặp khó khăn hơn rất nhiều so với sự cố hạt nhân trên đảo Three Mile hồi năm 1979 ở Mỹ.
Vietnam+