Báo Đồng Nai điện tử
En

ASEAN có vị thế quan trọng trong chính sách ngoại giao Trung Quốc

03:10, 08/10/2013

Trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông ASEAN mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhận định "năm 2013 là một năm đáng chúc mừng của Trung Quốc và ASEAN" sau 10 năm hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông ASEAN mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhận định "năm 2013 là một năm đáng chúc mừng của Trung Quốc và ASEAN" sau 10 năm hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) tiếp Ngoại trưởng các nước ASEAN. Ảnh: AFP-TTXVN

Thủ tướng Lý Khắc Cường nêu rõ cách đây 10 năm, Trung Quốc dẫn đầu gia nhập “Hiệp ước Hợp tác hữu nghị Đông Nam Á”, cùng ASEAN thiết lập “Quan hệ đối tác chiến lược hướng tới hòa bình và phồn vinh”. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược quốc tế với tổ chức của các nước trong khu vực, điều này cho thấy ASEAN có vị thế quan trọng trong chính sách ngoại giao Trung Quốc. 

Theo ông Lý Khắc Cường, trong bối cảnh tình hình quốc tế đầy sóng gió và bấp bênh, Trung Quốc và ASEAN đã nắm bắt cơ hội tiến lên theo đà hòa bình và phát triển, mở ra “10 năm vàng son” cho hợp tác. Hai bên kiên trì đối thoại chiến lược, không ngừng tăng cường tin cậy, hiểu biết và ủng hộ lẫn nhau trong nhiều công việc quan trọng của quốc tế và khu vực. 

Hai bên không ngừng thúc đẩy hợp tác thực tế, hoàn thành xây dựng Khu vực Mậu dịch Tự do các nước đang phát triển lớn nhất trên thế giới. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc. Kim ngạch thương mại song phương đã lên tới hơn 400 tỷ USD trong năm 2012, tăng gấp 6 lần so với 10 năm trước đó. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư cho nhau trong cùng kỳ vượt 100 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với 10 năm trước đó. 

Giao lưu nhân dân giữa Trung Quốc và ASEAN cũng ngày càng chặt chẽ, với số người tham gia giao lưu hai chiều đạt 15 triệu lượt người trong năm 2012, tăng gấp 5 lần so với 10 năm trước đó. Trung Quốc đã trở thành nguồn du khách lớn thứ hai của ASEAN với số chuyến bay khứ hồi lên tới hơn 1.000 lượt chuyến/tuần. 

Thủ tướng Lý Khắc Cường đánh giá cao việc Trung Quốc và ASEAN luôn luôn đoàn kết hợp tác, cùng khắc phục khó khăn trong suốt 10 năm qua. Hai bên đã ứng phó ổn thỏa khủng hoảng tài chính quốc tế, tương trợ trong các thiên tai và dịch bệnh nghiêm trọng như sóng thần Ấn Độ Dương, dịch SARS, động đất... 
Thủ tướng Lý Khắc Cường nêu rõ quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN đạt tiến triển tốt đẹp là do mối quan hệ này phù hợp với lợi ích căn bản song phương, thuận theo trào lưu thời đại là khu vực tìm kiếm hòa bình, phát triển và thúc đẩy hợp tác. Ông nhấn mạnh quan hệ Trung Quốc - ASEAN đang đứng trên khởi điểm lịch sử mới, do đó hai bên cần tìm kiếm đột phá chiến lược, siết tay xây dựng một cộng đồng Trung Quốc - ASEAN có vận mệnh chung, sáng tạo “10 năm kim cương” cho quan hệ song phương trong 10 năm tới trên cơ sở “10 năm vàng son”, mang lại nhiều lợi ích hơn cho nhân dân trong khu vực.

Theo ông Lý Khắc Cường, để thực hiện mục tiêu khung của hợp tác chiến lược “10 năm kim cương”, Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước ASEAN thảo luận việc ký kết Hiệp ước hợp tác láng giềng hữu nghị, đặt nền tảng chính trị vững chắc cho sự tin cậy chiến lược song phương.

Hai bên cần tăng cường giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực an ninh, hoàn thiện cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc - ASEAN, hợp tác sâu sắc trong các lĩnh vực phi truyền thống như phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, an ninh mạng, chống tội phạm xuyên quốc gia...

Hai bên cần kiến tạo “mô hình nâng cấp” Khu vực Mậu dịch Tự do Trung Quốc - ASEAN, áp dụng biện pháp thực tế trong các lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, hợp tác đầu tư..., tiếp tục nâng cao trình độ tự do hóa và tiện lợi hóa về thương mại và đầu tư, phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa tổng kim ngạch thương mại hai chiều lên 1.000 tỷ USD vào năm 2020. Trung Quốc cũng đề xướng xây dựng Ngân hàng đầu tư cho cơ sở hạ tầng châu Á, ưu tiên dành hỗ trợ tài chính cho xây dựng cơ sở hạ tầng của một số nước ASEAN. 

Ngoài ra, hai bên cần tăng cường hợp tác tài chính cùng phòng chống rủi ro, mở rộng quy mô và phạm vi trao đổi đồng nội tệ song phương, tăng cường thí điểm thanh toán bằng đồng nội tệ trong hoạt động thương mại xuyên quốc gia, tăng cường hợp tác đa phương của Sáng kiến Chiang Mai; phát triển quan hệ đối tác hợp tác trên biển, thúc đẩy hợp tác chú trọng thực tế trong các lĩnh vực kinh tế biển, kết nối trên biển, bảo vệ môi trường và nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển v.v..., cùng xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển” trong thế kỷ 21.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết là một thành viên trong đại gia đình châu Á, Trung Quốc và các nước còn lại trong khu vực có vận mệnh tương quan. Sự phát triển của Trung Quốc cần có môi trường xung quanh hòa bình và ổn định, vì vậy Bắc Kinh sẽ kiên trì dốc sức phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với các nước xung quanh một cách bền bỉ, kiểm soát thỏa đáng mâu thuẫn và bất đồng. ASEAN là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Bắc Kinh kiên định ủng hộ sự phát triển lớn mạnh của ASEAN, ủng hộ ASEAN phát huy vai trò chủ đạo trong hợp tác Đông Á. 

Ông cho biết sự phát triển của hợp tác Đông Á đã mang lại lợi ích thiết thực cho khu vực. Trong mọi hoàn cảnh, Trung Quốc sẽ luôn kiên trì giữ gìn môi trường lớn hòa bình ổn định ở Đông Á, kiên trì chú trọng phát triển và cải thiện dân sinh, đặc biệt là trước mắt cần phải tập trung sức lực ứng phó với tác động sâu sắc của khủng hoảng tài chính quốc tế, duy trì đà phát triển liên tục của khu vực. Trung Quốc chủ trương kiên trì “tinh thần hợp tác Đông Á”, kiên trì một số nguyên tắc khả thi hữu hiệu, đó là ASEAN chủ đạo, hiệp thương nhất trí, chiếu cố tới mức độ chấp thuận của các bên, phát huy mô hình hợp tác khu vực nêu bật đặc sắc Đông Á.

Về kinh tế, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết trước tình hình phức tạp và kinh tế suy giảm trong và ngoài nước, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục ứng phó bình tĩnh, ổn định và đổi mới chính sách kinh tế vĩ mô, một mặt kiên trì không mở rộng bội chi, không buông lỏng chính sách thắt chặt tài chính tiền tệ, mặt khác, áp dụng hàng loạt chính sách và biện pháp tổng hợp, dốc sức thúc đẩy cải cách, kích hoạt sức sống thị trường, điều chỉnh kết cấu kinh tế, nắm bắt thời cơ thúc đẩy nâng cấp chuyển đổi mô hình kinh tế. 

Những biện pháp đó thống nhất với mục tiêu tăng trưởng ổn định, duy trì sự vận hành ổn định kinh tế một cách hữu hiệu. Trong 6 tháng đầu năm nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng trưởng 7,6%, mặt bằng giá cả duy trì ổn định. Kể từ tháng 7 đến nay, nền kinh tế Trung Quốc xuất hiện xu hướng chuyển biến tốt, tăng trưởng ổn định.

Trong hơn 30 năm qua, kinh tế Trung Quốc đã được lợi nhiều trong cải cách mở cửa, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng đã đóng góp rất nhiều cho khu vực Đông Á và thế giới. Trong thời gian tới, bên cạnh thúc đẩy công nghiệp hóa, tin học hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, Trung Quốc sẽ có điều kiện duy trì kinh tế phát triển liên tục và lành mạnh. 

Dự kiến trong 5 năm tới, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc sẽ đạt 10.000 tỷ USD, đầu tư nước ngoài sẽ vượt 500 tỷ USD, số người xuất cảnh du lịch sẽ vượt 400 triệu lượt người. Trung Quốc sẵn sàng cùng ASEAN và các nước Đông Á chia sẻ cơ hội thương mại to lớn này, đóng góp nhiều hơn cho phát triển của các nước ASEAN, Đông Á và thế giới, mong các nước tích cực tham gia vào sự phát triển đó, kiến tạo môi trường tốt đẹp hơn.

TTXVN

 
 
Tin xem nhiều