Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà Trắng thừa nhận cần thiết phải kiềm chế tình báo

09:10, 29/10/2013

Trước làn sóng chỉ trích dồn dập từ các nước đồng minh và sự phản đối của người dân trong nước, ngày 28/10, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải lên tiếng thừa nhận về sự cần thiết phải có sự kiềm chế đối với hoạt động của các cơ quan tình báo của Mỹ.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước làn sóng chỉ trích dồn dập từ các nước đồng minh và sự phản đối của người dân trong nước, ngày 28/10, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải lên tiếng thừa nhận về sự cần thiết phải có sự kiềm chế đối với hoạt động của các cơ quan tình báo của Mỹ.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney thừa nhận về sự cần thiết "phải có sự cân đối giữa nhu cầu thu thập tin tức tình báo và nhu cầu về quyền riêng tư" và rằng "cần phải có thêm sự kiềm chế về cách thức thu thập cũng như sử dụng các tin tình báo."

Ông Jay Carney cho biết Nhà Trắng đang rà soát lại các khả năng do thám của Mỹ và dự kiến đến cuối năm sẽ hoàn tất công việc điều chỉnh này.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice cũng đã gửi một thông điệp trên trang mạng xã hội nói về cái mà bà gọi là "một sự cân bằng thích hợp" mà theo đó có thể sẽ có một số thay đổi đối với quy mô chương trình do thám điện tử hiện nay của Mỹ.

Những cam kết và phát biểu trên đây của các quan chức Nhà Trắng được đưa ra sau khi tờ Wall Street Journal xác nhận trong gần 5 năm qua Tổng thống Barack Obama chỉ được biết về việc các cơ quan tình báo dưới quyền đặt thiết bị nghe lén điện thoại của các nhà lãnh đạo thế giới sau khi ông ra lệnh tiến hành một cuộc rà soát nội bộ cách đây vài tháng.

Giới chức hữu quan giải thích Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) có quá nhiều chiến dịch theo dõi bí mật, do vậy báo cáo tất cả các chương trình cho tổng thống là điều không khả thi. Tuy nhiên, tờ Bild am Sonntag của Đức dẫn lời một quan chức giấu tên của NSA nêu rõ vào năm 2010, Tổng thống Obama đã được NSA báo cáo về việc Mỹ theo dõi các cuộc nói chuyện bằng điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Tờ báo dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Hans-Peter Friedrich xác nhận các tiết lộ này đã làm lung lay sự tin cậy của Đức đối với đồng minh Washington vì các hành động đó không chỉ vi phạm luật pháp, mà còn xâm phạm chủ quyền nước Đức. Tây Ban Nha cũng bày tỏ thái độ tức giận sau khi các thông tin do cựu nhân viên Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden khẳng định NSA đã bí mật giám sát 60 triệu cuộc điện thoại tại nước này trong một tháng.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo của Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein ngày 28/10 cho biết bà “hoàn toàn phản đối” việc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) thu thập thông tin tình báo về các đồng minh của Mỹ và nhấn mạnh cần phải tăng cường giám sát hoạt động này.

Trong một thông cáo sau khi có các báo cáo NSA đã nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo khác, bà Feinstein lưu ý: “Trừ phi Mỹ tham gia vào hoạt động quân sự chống lại một quốc gia hoặc có tình huống khẩn cấp buộc phải thực hiện kiểu do thám như vậy, tôi không tin rằng Mỹ nên thu thập các cuộc điện đàm hoặc thư điện tử của các vị tổng thống và thủ tướng của các nước bạn bè.”

Ủy ban trên cũng sẽ tiến hành cuộc “rà soát lớn” các hoạt động tình báo của Mỹ sau khi Chủ tịch Feinstein cho rằng các hoạt động giám sát đã được triển khai từ hơn một thập kỷ qua và ủy ban này đã không được “thông tin thỏa đáng” về hoạt động gián điệp này. Bà nhấn mạnh: “Quốc hội cần phải biết chính xác cộng đồng tình báo của chúng ta đang làm gì.”

Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha ngày 28/10 đã triệu tập Đại sứ Mỹ James Costos để yêu cầu làm rõ những lời cáo giác về việc NSA bí mật theo dõi công dân và các chính khách Tây Ban Nha.

Ngày 28/10, một phái đoàn của Ủy ban tự do dân sự thuộc Nghị viện châu Âu đã gặp các nhà lập pháp Mỹ để nhắc nhở về sự cần thiết phải tái xây dựng niềm tin đã bị đổ vỡ giữa hai bờ Đại Tây Dương do chương trình do thám tràn lan của Mỹ đối với những người đứng đầu 35 quốc gia.

Phát biểu với giới báo trước khi tới Mỹ, người đứng đầu phái đoàn Nghị viện châu Âu, nghị sỹ Anh Claude Moraes tuyên bố phạm vi theo dõi của NSA rất đáng lo ngại nên ưu tiên hàng đầu của phái đoàn là thảo luận ảnh hưởng của việc Mỹ theo dõi, do thám các quyền riêng tư của công dân thuộc các nước Liên minh châu Âu (EU).

Các nhà lãnh đạo EU cảnh báo rằng việc thiếu tin tưởng của họ đối với Mỹ do chương trình nghe lén này có thể làm tổn hại tới các nỗ lực chống khủng bố. Tuy nhiên, một số nghị sỹ Mỹ vẫn ra sức bao biện, cho rằng chương trình của NSA chặn thu các bức thư điện tử và nghe lén các cuộc nói chuyện điện thoại trên khắp thế giới là "một công cụ sống còn" để bảo vệ an ninh của nước Mỹ trước các nguy cơ khủng bố./.

(TTXVN)

 

Tin xem nhiều