Báo Đồng Nai điện tử
En

Hội nghị thượng đỉnh EU mở đầu với các chủ đề nóng

08:10, 25/10/2013

Tối ngày 24/10, Hội nghị thượng đỉnh mùa Thu của Liên minh châu Âu (EU) chính thức khai mạc tại thủ đô Brussels của Bỉ. Chương trình nghị sự của hội nghị dự kiến tập trung vào vấn đề kinh tế đã bị chi phối bởi vấn đề di cư và đặc biệt là vụ bê bối tình báo Mỹ nghe lén điện thoại của công dân và các nhà lãnh đạo châu Âu.

Lễ ký hiệp định CETA giữa Canada và Liên minh châu Âu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh mùa Thu EU. (Ảnh: AFP-TTXVN)
Lễ ký hiệp định CETA giữa Canada và Liên minh châu Âu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh mùa Thu EU. (Ảnh: AFP-TTXVN)

Tối ngày 24/10, Hội nghị thượng đỉnh mùa Thu của Liên minh châu Âu (EU) chính thức khai mạc tại thủ đô Brussels của Bỉ. Chương trình nghị sự của hội nghị dự kiến tập trung vào vấn đề kinh tế đã bị chi phối bởi vấn đề di cư và đặc biệt là vụ bê bối tình báo Mỹ nghe lén điện thoại của công dân và các nhà lãnh đạo châu Âu.

Theo kế hoạch ban đầu, tại hội nghị kéo dài trong hai ngày 24-25/10, lãnh đạo 28 nước thành viên EU sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề kinh tế công nghệ cao, tăng trưởng và việc làm, cũng như vấn đề liên minh kinh tế-tiền tệ của khối.

Tuy nhiên, thông tin tình báo Mỹ nghe trộm điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khiến bầu không khí trở nên căng thẳng ngay trước thềm khai mạc hội nghị.

Phát biểu trước phiên khai mạc, lãnh đạo nhiều nước châu Âu như Hà Lan, Phần Lan, Thụy Điển, Bỉ, Áo và Đức cho rằng việc Mỹ theo dõi liên lạc cá nhân của công dân các nước châu Âu là không thể chấp nhận được.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, người cũng được cho là nạn nhân của hành động nghe trộm điện thoại trong chương trình do thám của Mỹ, khẳng định việc làm này là không thể chấp nhận, đặc biệt khi xét đến mối quan hệ đồng minh giữa hai nước.

Ngay trước khi hội nghị khai mạc, bà Merkel đã có cuộc gặp song phương với Tổng thống Pháp Francois Hollande để thảo luận cách phối hợp các hành động đáp trả đối với Mỹ trên cơ sở ủng hộ của các đối tác trong EU.

Trong khi đó, Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo cho rằng châu Âu không thể chấp nhận để xảy ra tình trạng bị do thám một cách có hệ thống như hiện nay, đồng thời kêu gọi mỗi quốc gia thành viên cũng như toàn thể châu Âu cần có biện pháp đối phó thích hợp.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso trong cuộc họp báo trước hội nghị cũng thông báo chương trình nghị sự của hội nghị sẽ có thêm nhiệm vụ đẩy nhanh việc thông qua luật mới về bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân EU.

Theo ông Barroso, luật mới sẽ ngăn cản các công ty của Mỹ thu thập những thông tin dạng này. Ông Barroso cho biết thêm Pháp đã lên tiếng ủng hộ đề xuất và luật này sẽ sớm được thông qua vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2014.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy – người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh EU lần này, bày tỏ hy vọng sau cuộc thảo luận ngắn về “vụ bê bối gián điệp”, các nhà lãnh đạo EU sẽ trở lại với chương trình nghị sự về kinh tế.

Ngoài ra, vấn đề di cư dự kiến cũng sẽ trở thành chủ đề nóng tại hội nghị lần này sau 2 vụ chìm tàu liên tiếp ở ngoài khơi Italy khiến hơn 400 người di cư chết đuối. Theo thống kê, đã có khoảng 17.000-20.000 người thiệt mạng khi cố vượt biển Địa Trung Hải di cư tới châu Âu.

Trong khi đó, Cơ quan An ninh Biên giới của EU cho biết trong 2 năm qua đã có khoảng 16.000 người nhập cư được cứu sống trên biển Địa Trung Hải. Trong khi đó, ngân sách dành cho cơ quan này lại bị cắt giảm từ mức 118 triệu euro (162 triệu USD) trong năm 2011 xuống còn 85 triệu euro trong năm nay.

Trong ngày làm việc thứ hai (25/10), các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về vấn đề nâng cao hiệu quả của chính sách nhập cư, tăng ngân sách cho Cơ quan An ninh Biên giới EU và chương trình nghị sự của Hội nghị thượng định “Đối tác phương Đông” diễn ra vào cuối tháng sau./.

(Vietnam+)

 

Tin xem nhiều