Sau khi Nga và Mỹ đạt thỏa thuận về tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria, người phát ngôn của Liên hợp quốc ngày 14-9 thông báo Syria đã đáp ứng các quy định bắt buộc để gia nhập Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) và sẽ trở thành thành viên tổ chức này từ ngày 14-10 tới.
* Dư luận quốc tế hoan nghênh
Sau khi Nga và Mỹ đạt thỏa thuận về tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria, người phát ngôn của Liên hợp quốc ngày 14-9 thông báo Syria đã đáp ứng các quy định bắt buộc để gia nhập Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) và sẽ trở thành thành viên tổ chức này từ ngày 14-10 tới.
Syria thừa nhận sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng chi tiết về kho vũ khí này không được hé lộ |
Từ New York, người phát ngôn LHQ Martin Nesirky cho biết Tổng thư ký Ban Ki-moon hoan nghênh quyết định gia nhập OPCW của Syria sau khi tổ chức đa quốc gia này đã nhận được các giấy tờ bổ sung từ Damascus. Thông cáo của Văn phòng báo chí LHQ nêu rõ: "Với thẩm quyền được quy định trong Hiệp ước về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học cũng như việc phá hủy vũ khí hóa học, Tổng thư ký LHQ ngày 14-9 đã nhận được văn kiện xin gia nhập chính thức của nước CH Hồi giáo Syria... Việc gia nhập OPCW sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 14-10."
Trước đó, phản ứng ngay sau khi Washington và Moskva đạt được tiếng nói chung về vấn đề vũ khí hóa học ở Syria, TTK Ban Ki-moon đã hoan nghênh, đồng thời bày tỏ hy vọng sự đồng thuận này sẽ mở đường cho một giải pháp chính trị, tiến đến chấm dứt cuộc xung đột đang đè nặng lên người dân Syria. Cũng đồng quan điểm trên, song Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải thực hiện nghiêm túc cam kết, lập trường của Washington là tiếp tục duy trì thế quân sự tại khu vực này để gây sức ép với chính quyền Assad.
Cộng đồng quốc tế dường như thở phào và có những động thái tích cực sau khi Nga và Mỹ tìm được sự đồng thuận trong vấn đề Syria. Ngày 14-9, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hoan nghênh thỏa thuận trên. Liên minh Châu Âu (EU) cũng lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận trên và đề nghị trợ giúp triển khai thỏa thuận. Trong khi cộng đồng quốc tế coi sự nhất trí của Nga và Mỹ như "tia sáng cuối đường hầm" giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm tại Syria, phe đối lập nước này lại phản đối thỏa thuận trên và từ chối tuyên bố ngừng bắn với quân đội chính phủ. Trong một phát biểu, Salim Idris, một viên tướng Quân đội Syria Tự do, nói rằng sự đồng thuận này chỉ bao gồm giữa Mỹ và Nga, do đó lực lượng đối lập không chấp nhận và tiếp tục các hành động chống lại chính phủ. Viên tướng này còn nói Chính quyền al-Assad đã chuyển một số vũ khí hóa học đến Liban và Iraq. Tuy nhiên, Chính phủ Iraq đã lập tức bác bỏ cáo buộc này.
Cùng ngày, hãng thông tấn bán chính thức Fars của Iran dẫn kết quả điều tra của các công tố viên thành phố Adana, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết phiến quân Syria đã đặt mua hóa chất để sản xuất chất độc thần kinh sarin từ quốc gia láng giềng này.
(Theo BBC, AFP)