Báo Đồng Nai điện tử
En

Đại sứ quán Nga tại Syria bị tấn công

12:09, 23/09/2013

Sáng 22-9, một quả mìn đã phát nổ bên trong Đại sứ quán Nga tại Syria làm 3 nhân viên sứ quán bị thương nhẹ. Nguyên nhân vụ việc đang được điều tra làm rõ.

* Nga cáo buộc phương Tây vẫn mưu toan sử dụng vũ lực

Sáng 22-9, một quả mìn đã phát nổ bên trong Đại sứ quán Nga tại Syria làm 3 nhân viên sứ quán bị thương nhẹ. Nguyên nhân vụ việc đang được điều tra làm rõ.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết đang cùng với chính quyền Syria áp dụng các biện pháp bổ sung nhằm bảo đảm an ninh cho cơ quan đại diện ngoại giao Nga.

Đại sứ quán Nga rung chuyển sau vụ tấn công (Ảnh AFP)
Đại sứ quán Nga rung chuyển sau vụ tấn công (Ảnh AFP)

Vụ tấn công xảy ra chỉ vài giờ sau khi Kênh truyền hình số 1 của Nga phát bài phỏng vấn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về những cáo buộc sử dụng vũ lực của phương Tây. Trong bài trả lời phỏng vấn, ông Lavrov cho rằng phương Tây không tập trung tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria, mà mưu toan thúc đẩy nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) cho phép sử dụng vũ lực chống chính quyền Damascus với lý do viện các điều khoản trong chương VII của Hiến chương LHQ.

Theo ông Lavrov, trong khi cần chờ đợi quyết định của Tổ chức cấm sử dụng vũ khí hóa học về việc giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria, thì các đối tác lại Mỹ bắt đầu đe dọa. Điều này hoàn toàn xa rời tinh thần đạt được trong cuộc gặp giữa ông với người đồng cấp Mỹ John Kerry hôm 14-9, trong đó hai bên nhất trí sẽ chờ quyết định của Tổ chức cấm sử dụng vũ khí hóa học trước khi tìm đến nghị quyết của HĐBA LHQ. Nhưng ngay cả khi phải sử dụng đến nghị quyết của HĐBA thì cũng không viện đến chương VII.

Trong bài trả lời phỏng vấn, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng bày tỏ ngạc nhiên khi các đối tác phương Tây thờ ơ trước khả năng hiếm hoi có thể giúp giải quyết vấn đề vũ khí hóa học của Syria.

Ông Lavrov kết luận, đối với tình hình Syria, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo giải pháp chính trị trên tinh thần của thỏa thuận Geneva ngày 30-6-2012 có chữ ký của tất cả các nước thành viên thường trực HĐBA, Liên đoàn Arập (AL), Liên minh châu Âu (EU) và các nước láng giềng của Syria. Thỏa thuận này phải được tất cả các nước xem là cơ sở duy nhất cho giải quyết khủng hoảng Syria.

(Theo BBC, Interfax)

 

Tin xem nhiều