Báo Đồng Nai điện tử
En

Eurozone chính thức thoát khỏi suy thoái kinh tế

11:08, 14/08/2013

Với các số liệu công bố ngày 14-8 cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 0,3% trong quý II vừa qua, Eurozone đã chính thức thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế kéo dài nhất kể từ khi khối này được thành lập năm 1999.

(Nguồn: AFP)
(Nguồn: AFP)

Với các số liệu công bố ngày 14-8 cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 0,3% trong quý II vừa qua, Eurozone đã chính thức thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế kéo dài nhất kể từ khi khối này được thành lập năm 1999.

Số liệu của Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết hai nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức và Pháp đều có tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn mong đợi, với mức tăng lần lượt 0,7% và 0,5%. Sự tăng trưởng ấn tượng của Đức chủ yếu nhờ nhu cầu trong nước tăng khi người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu và chính phủ nói lỏng chính sách kinh tế khắc khổ. Ngoài ra, lĩnh vực đầu tư được cải thiện đáng kể so với quý trước, xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu, tính thời vụ... cũng là những yếu tố giúp nền kinh tế số 1 châu đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Đối với Pháp, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng hai năm qua, chủ yếu nhờ lĩnh vực tiêu dùng trong nước tăng mạnh, trong khi hoạt động đầu tư vào nền kinh tế vẫn yếu.

Bồ Đào Nha - một trong số những nền kinh tế nhỏ và yếu nhất trong khu vực - lại đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất với 1,1%. Đây cũng là một kết quả ấn tượng bởi Bồ Đào Nha là một trong ba nước thành viên Eurozone phải nhờ đến gói cứu trợ hàng tỷ euro (ơ-rô) từ các chủ nợ quốc tế. Trong khi đó, GDP của Tây Ban Nha - nước cũng phải xin cứu trợ từ bên ngoài để cứu ngành ngân hàng - tiếp tục giảm 0,1% trong quý II. Hai nền kinh tế lớn khác trong khu vực này là Italia và Hà Lan cũng tăng trưởng âm, với GDP cùng giảm 0,2%.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Olli Rehn nhận định các số liệu vừa công bố cho thấy nền kinh tế châu Âu đang dần lấy lại được động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, theo ông Rehn, hiện vẫn còn hai trở ngại lớn mà Eurozone cần phải vượt qua, đó là tốc độ tăng trưởng còn ở mức thấp trong khi các dấu hiệu tăng trưởng vẫn mong manh. Ngoài ra, một số quốc gia thành viên vẫn có tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao không thể chấp nhận được và việc thực hiện các biện pháp cải cách cần thiết nhưng đầy khó khăn ở EU vẫn đang trong giai đoạn đầu, do vậy khu vực này vẫn còn "một chặng đường rất dài ở phía trước".

(Theo AFP)

Tin xem nhiều