Theo hãng thông tấn chính thức MENA của Ai Cập và các hãng tin nước ngoài, ngày 4-7, quân đội Ai Cập đã ra tuyên bố hối thúc đất nước hòa giải và tránh những cuộc tấn công trả đũa sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị phế truất, động thái được nhiều người dân tán thành nhưng cũng khiến những người ủng hộ phe Hồi giáo ở nước này nổi giận.
* Ông ElBaradei từ chối làm Thủ tướng lâm thời
* Phe Hồi giáo kêu gọi biểu tình
Theo hãng thông tấn chính thức MENA của Ai Cập và các hãng tin nước ngoài, ngày 4-7, quân đội Ai Cập đã ra tuyên bố hối thúc đất nước hòa giải và tránh những cuộc tấn công trả đũa sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị phế truất, động thái được nhiều người dân tán thành nhưng cũng khiến những người ủng hộ phe Hồi giáo ở nước này nổi giận.
Người ủng hộ Tổng thống Ai Cập bị lật đổ biểu tình tại Cairo... |
... và bên ngoài nhà thờ Hồi giáo Raba Al Adaawyia. |
Trong tuyên bố, quân đội thừa nhận đất nước đang trải qua "một giai đoạn phức tạp" và quân đội đang nỗ lực mang lại quyền tự do, hòa bình, công bằng và bình đẳng cho nhân dân Ai Cập. Tuyên bố cũng kêu gọi tránh có những "biện pháp bất thường và chuyên quyền nhằm vào bất cứ nhóm chính trị nào", dù lực lượng an ninh đang truy bắt các thủ lĩnh của Tổ chức Anh em Hồi giáo của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi.
Tuyên bố trên của Quân đội Ai Cập được đưa ra sau khi Liên minh các đảng phái và phong trào Hồi giáo tại Ai Cập, bao gồm cả Tổ chức Anh em Hồi giáo, đã kêu gọi "biểu tình hòa bình" vào ngày 5-7 để lên án "cuộc đảo chính quân sự" nhằm vào ông Morsi. Trong một tuyên bố "khẩn" đăng tải trên website chính thức, Tổ chức Anh em Hồi giáo nêu rõ: "Chúng tôi sẽ không hợp tác với chính quyền đã tiếm quyền của Tổng thống Morsi (chính quyền lâm thời) và phản đối các biện pháp bạo lực nhằm vào người biểu tình hòa bình ủng hộ ông Morsi".
Trước đó, Tổ chức Anh em Hồi giáo đã lên tiếng tố cáo "chế độ dùi cui" mới sau các vụ bắt bớ đối với các thủ lĩnh của phong trào này và đóng cửa các kênh truyền hình vệ tinh. Trong một tuyên bố trước những người ủng hộ ông Morsi đang tập trung ở quận Nasr City ở thủ đô Cairo trong sự vây quanh của các xe quân sự, phong trào Anh em Hồi giáo và lực lượng chính trị của Đảng Công lý và Tự do nói rằng "họ phản đối sự khủng bố của chế độ dùi cui qua việc bắt giữ các lãnh đạo của phong trào và đóng cửa các kênh truyền hình vệ tinh".
Hàng nghìn người ủng hộ ông Morsi và thành viên tổ chức Anh em Hồi giáo tập trung tại khu vực nhà thờ Hồi giáo Raba Al Adaawyia. |
Trong khi đó, trực thăng quân đội mang cờ bay trên quảng trường Tahrir, nơi phe phản đối tổng thống tập trung đông đảo để ăn mừng. |
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn các nguồn tin địa phương ngày 4-7 cho biết thủ lĩnh Đảng el-Dostour, ông Mohamed ElBaradei, đã từ chối đề nghị đứng đầu chính phủ lâm thời của Ai Cập. Theo đó, vai trò Thủ tướng lâm thời Ai Cập sẽ được trao cho cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Farouk al-Aqda, hiện đang sống ở London, Anh. Ông ElBaradei được đề cử vào chức Thủ tướng lâm thời Ai Cập cho tới khi diễn ra các cuộc bầu cử mới vì là nhân vật được cả phe đối lập và các nhóm Hồi giáo chấp nhận.
Trong một diễn biến khác liên quan, ngày 4-7, Tổng công tố Ai Cập Abdel- Meguid Mahmoud đã ban bố lệnh cấm đi lại đối với Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi và 35 thành viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo để điều tra về các cáo buộc sát hại người biểu tình.
Theo hãng tin nhà nước Al-Ahram, lệnh cấm đi lại cũng được áp dụng đối với Mohamed Saad al-katatni, thủ lĩnh Đảng Tự do và Công Lý thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo, và phó thủ lĩnh của đảng này Rashad Bayoumi cùng một số nhân viên của kênh truyền hình Islamic TV. Các nhân vật nói trên bị điều tra với cáo buộc liên quan tới hành động trấn áp người biểu tình chống chính phủ tại Cairo, Giza, Alexandria và Marsa Matrouh, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng va hàng trăm người bị thương.
Ngày 4-7, Liên minh châu Phi (AU) cho rằng chiếu theo học thuyết của tổ chức này về việc thay đổi chính phủ trái pháp luật thì việc lật đổ Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi là vi phạm hiến pháp của quốc gia này.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban AU, Nkosazana Dlamini-Zuma cho biết AU có "quan điểm mang tính nguyên tắc về việc thay đổi chính phủ trái với hiến pháp", đồng thời tiết lộ về khả năng có thể đình chỉ tư cách thành viên của Ai Cập. AU thường đình chỉ tư cách thành viên của các quốc gia nơi giới quân sự lật đổ chính phủ dân cử.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục có nhiều phản ứng trái chiều về những diễn biến vừa qua tại Ai Cập.
Phát biểu tại cuộc gặp Ngoại trưởng Ai Cập Mohamed Kamel Amr tại Copenhagen, Đan Mạch, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon đã bày tỏ sự quan ngại đặc biệt về việc quân đội can thiệp vào vấn đề có tính chất hiến pháp và dân sự, đồng thời nhấn mạnh cần nhanh chóng thiết lập chính quyền dân sự thông qua bầu cử tại Ai Cập.
TTK Ban Ki-moon cũng kêu gọi các nhà chức trách Ai Cập tôn trọng các quyền cơ bản của người dân, đồng thời nhanh chóng tiến hành đối thoại hòa bình có sự tham gia của tất cả các thành phần chính trị nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tại Washington, Chính phủ Mỹ nhấn mạnh chính quyền lâm thời Ai Cập cần tránh "các vụ bắt giữ độc đoán" nhằm vào Tổng thống Morsi và các phụ tá của nhà lãnh đạo Hồi giáo này, đồng thời khẳng định Ai Cập cần tiến hành một cách "nhanh chóng và có trách nhiệm" thành lập một chính phủ do dân bầu. Trước đó, ngày 3/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ sự quan ngại trước việc Quân đội Ai Cập phế truất Tổng thống Morsi, đồng thời yêu cầu cân nhắc lại khoản hỗ trợ quân sự trị giá 1,3 tỷ USD trong năm 2014 cho nước này.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Ngoại trưởng Canada John Baird cũng hối thúc tất cả các đảng phái tại Ai Cập bình tĩnh, tránh bạo lực và cam kết hợp tác tìm kiếm đối thoại chính trị.
Trong khi đó, chính phủ nhiều nước tại khu vực Trung Đông lại có phản ứng trái chiều về việc phế truất Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi. Trong một động thái phản ánh mối quan hệ căng thẳng giữa chính phủ nhiều nước trong khu vực và Tổ chức Anh em Hồi giáo của ông Morsi, vụ phế truất nhà lãnh đạo Hồi giáo này lại nhận được sự ủng hộ của đa số. Chính phủ các nước Syria, Arabia Saudi, Iraq, Barain, Kuwait ... đều có tuyên bố ca ngợi "sự cải cách" tại Ai Cập và cam kết thúc đẩy quan hệ với chính phủ mới tại Cairo.
(Theo BBC, TTXVN)