Ngày 30/7, Liên hợp quốc đã ấn định thời hạn chót 48 giờ cho nhóm phiến quân M23 phải rời khỏi thành phố Goma ở miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp mạnh tay.
Binh sỹ Ấn Độ thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ triển khai tại Kanyarucinya, ngoại ô Goma, Congo ngày 14/7. |
Tuyên bố của Phái bộ Liên hợp quốc tại Cộng hòa Dân chủ Congo (MONUSCO) nêu rõ các tay súng M23 tại Goma có thời gian tới 16 giờ (20 giờ GMT) ngày 1/8 để giao nộp vũ khí tại một căn cứ của MONUSCO và tham gia một chương trình giải giáp - tái hòa nhập cộng đồng.
Sau thời điểm đó, "M23 bị coi là một mối đe dọa bạo lực đối với dân thường và MONUSCO sẽ thực thi mọi biện pháp cần thiết để tước vũ khí, trong đó có cả phương án sử dụng vũ lực phù hợp với sứ mệnh của mình và các quy định về can thiệp."
Liên hợp quốc cho biết sẽ bổ sung thêm một lữ đoàn để hỗ trợ quân đội Cộng hòa Dân chủ Congo thiết lập một "vùng an ninh tại Goma và các khu vực ngoại ô phía Bắc thành phố.
Phiến quân M23 nguyên là quân đội người Tutsi sáp nhập vào quân đội Cộng hòa Dân chủ Congo từ năm 2009, song đã đào ngũ từ đầu năm 2012 do bất đồng về lương bổng và điều kiện sinh hoạt.
Cuộc xung đột giữa M23 với chính phủ nước này diễn biến phức tạp khi các nước láng giềng Rwanda và Uganda bị Liên hợp quốc cáo buộc ủng hộ cho lực lượng phiến quân ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Theo các chuyên gia Liên hợp quốc, Rwanda đang giúp phiến quân M23 tập trung xung quanh Goma, thành phố lớn ở miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo.
Giao tranh xung quanh thành phố này trong 2 tuần qua đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Rwanda đã cực lực bác bỏ mọi dính líu đến cuộc xung đột mới này.
TTXVN