Tình trạng bạo loạn và đổ máu càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị ở Ai Cập, làm leo thang cuộc chiến đấu giữa quân đội, lực lượng đã lật đổ ông Morsi hôm 4-7 sau các cuộc biểu tình rầm rộ của người dân yêu cầu ông từ chức, và Tổ chức Anh em Hồi giáo - lực lượng đã lên án đây là hành động đảo chính.
* Tổ chức Anh em Hồi giáo chỉ hòa giải nếu ông Morsi được phục chức * Đảng của Anh em Hồi giáo có nguy cơ bị đóng cửa
Tình trạng bạo loạn và đổ máu càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị ở Ai Cập, làm leo thang cuộc chiến đấu giữa quân đội, lực lượng đã lật đổ ông Morsi hôm 4-7 sau các cuộc biểu tình rầm rộ của người dân yêu cầu ông từ chức, và Tổ chức Anh em Hồi giáo - lực lượng đã lên án đây là hành động đảo chính.
Phía ủng hộ ông Mohamed Morsi nói quân đội đã dùng đạn thật để trấn áp người biểu tình |
Người phát ngôn chính thức của Tổ chức Anh em Hồi giáo, ông Gehad El-Hadda, cho biết ít nhất 42 người ủng hộ ông Morsi đã thiệt mạng, 322 người bị thương trong vụ nổ súng diễn ra vào sáng sớm ngày 8-7, khi những người Hồi giáo đang cầu nguyện và phát động một cuộc biểu tình ngồi hòa bình bên ngoài trụ sở của lực lượng Vệ binh Cộng hòa.
Cùng ngày, hãng thông tấn nhà nước Ai Cập MENA dẫn lời một quan chức quân đội cho biết những người có vũ trang ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi đã bắt giữ 2 binh lính sau các vụ đụng độ ngày 8-7 ở thủ đô Cairo. Trong thông báo được truyền trên đài truyền hình nhà nước, quân đội Ai Cập cho biết những người ủng hộ ông Morsi đã tấn công cơ sở quân đội, khiến 1 sĩ quan thiệt mạng và 40 người bị thương.
Tổng điều phối Mặt trận Cứu quốc (NSF) và là cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei, người được cân nhắc bổ nhiệm vào chức thủ tướng lâm thời, đã lên án các vụ đụng độ ở Cairo làm ít nhất 42 người thiệt mạng, đồng thời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo tình hình Ai Cập có nguy cơ biến thành một cuộc nội chiến. Các hãng thông tấn trích dẫn lời ông Putin nói rằng "Syria đã rơi vào nội chiến, thật không may, điều này vẫn chưa đủ, Ai Cập cũng đang dịch chuyển theo hướng này".
Hậu quả trước mắt là đảng al-Nour theo đường lối bảo thủ cực đoan, ban đầu ủng hộ việc quân đội can thiệp, đã tuyên bố rút khỏi các cuộc đàm phán thành lập chính phủ lâm thời. Các cuộc đàm phán về việc thành lập chính phủ mới vốn đã gặp rắc rối từ trước khi xảy ra vụ nổ súng ngày 8-7, sau khi đảng al-Nour phản đối hai ứng cử viên thủ tướng theo xu hướng tự do.
Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) ngày 8-7 tuyên bố sẵn sàng chấp nhận các sáng kiến hòa giải dân tộc với điều kiện Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi quay trở lại nắm quyền điều hành đất nước.
Theo tuyên bố trên, MB sẽ không thỏa hiệp về tính hợp pháp và không chấp nhận một sáng kiến nào khác, đồng thời cho biết các thành viên tổ chức này sẵn sàng hy sinh vì ông Morsi. MB cho rằng việc Tổng thống Morsi bị phế truất là "một âm mưu" và "cuộc đảo chính quân sự chống lại tính hợp hiến".
Tuy nhiên, MB đã kêu gọi tiến hành một cuộc "nổi dậy", đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế can thiệp nhằm ngăn chặn một "Syria mới", sau khi lực lượng an ninh Ai Cập nổ súng và bắn đạn hơi cay nhằm giải tán đám đông người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi bên ngoài trụ sở Lực lượng Vệ binh Cộng hòa tại thủ đô.
Đảng Tự do và Công lý (FJP), nhánh chính trị của MB, đã kêu gọi "người dân Ai Cập nổi dậy chống những kẻ âm mưu đánh cắp thành quả cách mạng bằng xe tăng". Tổ chức này cũng hối thúc "cộng đồng quốc tế, các tổ chức nước ngoài và toàn thể người dân tự do trên thế giới can thiệp nhằm không để xảy ra thêm các cuộc thảm sát... và ngăn chặn một điểm nóng mới trong thế giới Arập".
Một quan chức an ninh Ai Cập cho biết cơ quan công tố Ai Cập đã ra lệnh đóng cửa trụ sở của FJP sau khi tìm thấy vũ khí bên trong tòa nhà của đảng này.
(Theo AFP, Reuters, THX, TTXVN)