Báo Đồng Nai điện tử
En

Mỹ đánh giá thiệt hại trong vụ bê bối giám sát Internet

12:06, 13/06/2013

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mở một cuộc điều tra nội bộ để đánh giá những tổn thất có thể có do vụ rò rỉ thông tin mật từ Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) về chương trình thu thập thông tin của những người sử dụng Internet, gọi tắt là PRISM.

* Đa số người dân ủng hộ giám sát trong "giới hạn hợp lý"

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mở một cuộc điều tra nội bộ để đánh giá những tổn thất có thể có do vụ rò rỉ thông tin mật từ Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) về chương trình thu thập thông tin của những người sử dụng Internet, gọi tắt là PRISM. Giới chức Mỹ cho biết cuộc điều tra nhằm xem xét vụ tiết lộ chương trình tuyệt mật này có phải là hành vi phạm pháp và gây thiệt hại cho an ninh quốc gia hay không. Trước đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC, Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper cũng đã đề nghị mở cuộc điều tra hình sự, cho rằng tiết lộ này đã gây tổn thất khổng lồ cho ngành tình báo Mỹ.

Nhà mạng Verizon Wireless đã cung cấp cho NSA những thông tin về mọi cuộc gọi điện thoại của khách hàng. Ảnh- The Washington Post
Nhà mạng Verizon Wireless đã cung cấp cho NSA những thông tin về mọi cuộc gọi điện thoại của khách hàng. Ảnh- The Washington Post

Nhà Trắng quyết định mở cuộc điều tra sau khi một nhóm thượng nghị sĩ và các công ty công nghệ của Mỹ hối thúc chính phủ công bố thêm nữa về các chương trình tuyệt mật. Một quan chức tình báo cấp cao cho biết cuộc điều tra nội bộ này, được tiến hành riêng rẽ với cuộc điều tra hình sự của Bộ Tư pháp Mỹ cũng về vụ tiết lộ chương trình PRISM, sẽ xác định liệu việc tiết lộ này có ảnh hưởng xấu đến các nguồn cung cấp và phương pháp giám sát thông tin trên Internet hay không.

Ngày 9-6, một cựu trợ lý kỹ thuật của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã khẳng định mình là người cung cấp các thông tin nhạy cảm liên quan đến PRISM, chương trình mà chính quyền Tổng thống Obama nói là nhằm bảo vệ nước Mỹ trước những nguy cơ tấn công khủng bố và nhiều hiểm họa khác. Một quan chức cấp cao Nhà Trắng khẳng định PRISM đã phải thông qua sự chấp thuận của tòa án để đảm bảo rằng chương trình này chỉ được áp dụng đối với những cá nhân không phải công dân Mỹ và sống bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Những quy định chặt chẽ này nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra việc thu thập, lưu giữ và phát tán dữ liệu cá nhân của các công dân Mỹ.

Trong khi đó, theo cuộc thăm dò dư luận do Reuters/Ipsos thực hiện từ ngày 9-11-6, gần một nửa số người Mỹ được hỏi ý kiến cho rằng việc chính quyền giám sát thông tin trên Internet là chấp nhận được nếu nó được thực hiện một cách có giới hạn.

(Theo AP)

Tin xem nhiều