Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhật Bản có thể đàm phán trực tiếp với Triều Tiên

10:05, 23/05/2013

Nhật Bản đang xem xét nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp với Triều Tiên, Tokyo cho biết hôm qua, sau chuyến thăm bất ngờ của một cố vấn cấp cao của Thủ tướng Shinzo Abe tới Bình Nhưỡng.

Nhật Bản đang xem xét nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp với Triều Tiên, Tokyo cho biết hôm qua, sau chuyến thăm bất ngờ của một cố vấn cấp cao của Thủ tướng Shinzo Abe tới Bình Nhưỡng.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Các cuộc đàm phán song phương đang được tính đến trong bối cảnh Tokyo muốn giải quyết vấn đề các công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc vào những năm 1970 và 1980, một vấn đề đang làm bùng phát sự giận dữ của công chúng tại Nhật Bản.

Nhưng bất kỳ động thái nào nhằm "đoạn tuyệt" với Washington và Seoul, vốn nhấn mạnh tới một cách tiếp cận thống nhất với Bình Nhưỡng, cũng có thể gây giận dữ.

"Vì chúng tôi đang nghiên cứu tất cả các khả năng nên đó cũng là một phương án", Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu trước báo giới khi được hỏi về việc nối lại các cuộc đàm phán vốn bị gián đoạn từ năm ngoái khi Triều Tiên thông báo vụ phóng tên lửa tầm xa.

Bình luận trên của ông Suga diễn ra sau khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm 19/5 cam kết tìm kiếm các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng về vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc sau khi cố vấn Isao Iijima trở về sau chuyến thăm Triều Tiên 4 ngày.

Chuyến thăm làm bùng phát những đồn đoán rằng Bình Nhưỡng đã cố gắng thân thiết với Tokyo giữa lúc quan hệ với Washington và Tokyo "bị đóng băng" vì các tham vọng hạt nhân và tên lửa.

Hàn Quốc đã lên tiếng chỉ trích chuyến thăm của ông Iijima, gọi chuyến đi là "vô ích" trong nỗ lực tạo một mặt trận thống nhất

Còn Glyn Davies, đại diện đặc biệt của Mỹ về chính sách Triều Tiên, cho rằng Bình Nhưỡng đang cố gắng "chia rẽ" cộng đồng quốc tế.

Ông Iijima từng là cố vấn cấp cao của cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi và từng tháp tùng ông trong các chuyến thăm Bình Nhưỡng năm 2002 và 2004.

Trong chuyến thăm của ông Koizumi năm 2002, Triều Tiên đã thừa nhận rằng các mật vụ nước này từng bắt cóc các công dân Nhật trong thời Chiến tranh Lạnh để đào tạo cho các mật vụ ngôn ngữ và văn hóa Nhật.

Vài trong số những người bị bắt cóc đã trở về Nhật Bản cùng con cái sinh tại Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng nói rằng số còn lại đã chết, nhưng nhiều người Nhật không tin như vậy.

"Nhật Bản sẽ không cung cấp bất kỳ khoản viện trợ nhân đạo nào cho Triều Tiên trừ khi các nạn nhân bị bắt cóc hồi hương an toàn", ông Keiji Furuya, quan chức phụ trách vấn đề bắt cóc, cho biết hôm 22/5.

"Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đưa các nạn nhân bị bắt có về nước", ông Furuya nói thêm, ám chỉ khả năng đàm phán trực tiếp.

Theo AFP

Tin xem nhiều