Nga tuyên bố sẽ cung cấp tên lửa phòng không S-300 cho Syria và các vũ khí này sẽ giúp ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài, sau khi EU quyết định dỡ bỏ một lệnh cấm vận vũ khí đối với phe đối lập Syria.
Nga tuyên bố sẽ cung cấp tên lửa phòng không S-300 cho Syria và các vũ khí này sẽ giúp ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài, sau khi EU quyết định dỡ bỏ một lệnh cấm vận vũ khí đối với phe đối lập Syria.
Tổ hợp tên lửa S-300 của Nga.
Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho hay các tên lửa S-300 là một "nhân tố làm ổn định" có thể ngăn chặn "một số người nóng vội" muốn tham gia cuộc xung đột.
Nga cũng chỉ trích quyết định của EU nhằm dỡ bỏ một lệnh cấm vận vũ khí đối với Syria.
Hôm 27/5, EU cho biết các quốc gia thành viên có thể quyết định chính sách của riêng mình về việc cung cấp vũ khí cho Syria, sau khi các ngoại trưởng không thể đi tới một quyết định thống nhất nhằm gia hạn lệnh cấm vận vũ khí hiện thời, vốn hết hiệu lực vào thứ 7 này.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố chung sau các cuộc hội đàm kéo dài 12 giờ liền, EU nhất trí chưa chuyển vũ khí cho phe nổi dậy vào thời điểm này.
Hội đồng đối ngoại EU sẽ xem xét lập trường trên trước ngày 1/8, cân nhắc các diễn biến mới nhằm chấm dứt cuộc xung đột, trong đó có sáng kiến hòa bình Nga-Mỹ.
Ngoại trưởng Anh William Hague cho hay 1/8 không phải là thời hạn chót và rằng Anh có thể khởi động việc cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syria ngay từ bây giờ, mặc dù nước này chưa có kế hoạch làm vậy.
Một phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ nói Mỹ ủng hộ động thái của EU.
Còn Bộ ngoại giao Syria tuyên bố quyết định trên cho thấy sự cản trở của EU đối với các nỗ lực quốc tế nhằm đóng góp vào việc tìm kiếm một sự ổn định chính trị".
Nga cho rằng động thái của EU làm tổn hại trực tiếp tới các viễn cảnh về một hội nghị hòa bình quốc tế mà Mátxcơva và Washington đề xuất tổ chức, có thể diễn ra vào tháng tới.
"Một loạt các hành động đã được thực hiện mà không có sự tham gia và ủng hộ của các đối tác phương Tây, trong đó có Mỹ và Pháp... đang làm tổn hại tới ý tưởng kêu gọi một hội nghị", truyền thông Nga ngày 28/5 dẫn lời Ngoại trưởng Sergei Lavrov.
Nga đã nhiều lần ngăn chặn các nỗ lực nhằm gây sức ép nhiều hơn đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Cùng với Mỹ, Nga đang dẫn đầu các nỗ lực nhằm tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế về Syria vào tháng tới.
Thứ trưởng ngoại giao Nga Ryabkov cho hay hợp đồng về các hệ thống tên lửa S-300 đã được ký kết vài năm trước.
"Chúng tôi xem việc cung cấp này là một nhân tố làm ổn định và tin rằng những bước đi như vậy sẽ ngăn chặn những người nóng vội ngừng xem xét các viễn cảnh có thể biến cuộc xung đột tại Syria lan ra quy mô quốc tế với sự tham gia của các lực lượng bên ngoài", ông Ryabkov nói.
S-300 là một hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo. S-300 có thể được so sánh với hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ hiện đang được NATO triển khai để bảo vệ không phận Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các cuộc tấn công từ Syria.
Cảnh báo của Israel
Một số nhà phân tích xem sự xác nhận của Nga về việc mua bán vũ khí như một "kẻ thay đổi cuộc chơi" trong cuộc khủng hoảng Syria.
"Nó gần như khẳng định rằng cuộc đàm phán Nga-Mỹ sẽ là vô nghĩa, gửi các tín hiệu cảnh báo về việc vận chuyển vũ khí tương tự cho Iran, có thể lôi kéo Syria vào cuộc khủng hoảng Syria và có thể làm thay đổi mạnh mẽ các khả năng "cấm bay" của Mỹ và đồng minh", ông Anthony Cordesman, từ Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Mỹ), nhận định.
Đã có các nguồn tin nói rằng Mátxcơva trì hoãn việc chuyển giao vũ khí để đổi lấy một cam kết của Israel không tiến hành thêm các cuộc không kích vào Syria.
Bộ trưởng quốc phòng Israel Moshe Yaalon cho biết hệ thống tên lửa S-300 chưa rời Nga.
"Tôi hi vọng chúng vẫn chưa khởi hành, và nếu chúng tới Syria, chúng tôi sẽ biết phải làm gì", ông Yaalon cảnh báo.
Lệnh cấm vận của EU, được đưa ra lần đầu tiên vào tháng 5/2011, áp dụng đối với cả phe đối lập và chính phủ Syria.
Anh và Pháp đang hối thúc việc cung cấp vũ khí cho các phần tử đối lập ôn hòa của Tổng thống Assad, nói rằng điều đó sẽ gây sức ép để Damascus phải tiến tới một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột kéo dài suốt 2 năm qua. Nhưng các quốc gia châu Âu khác phản đối việc cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syria.
Theo các ước tính của Liên hợp quốc, hơn 80.000 người đã thiệt mạng và 1,5 triệu người phải đi sơ tán khỏi Syria kể từ khi cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Assad bắt đầu vào năm 2011.
Theo BBC