Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 8-4, Tiến sĩ Michael O' Leary, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết chưa tìm thấy bằng chứng cho thấy virus cúm H7N9 lây nhiễm từ người sang người.
* Chim di cư có thể đã mang virus H7N9 đến Trung Quốc
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 8-4, Tiến sĩ Michael O' Leary, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết chưa tìm thấy bằng chứng cho thấy virus cúm H7N9 lây nhiễm từ người sang người. Ngoài ra, ông cũng bác bỏ nghi ngờ về mối liên quan giữa chủng virus cúm này với số lượng lớn xác heo chết tìm thấy trên sông Hoàng Phố, Thượng Hải.
Kiểm tra virus cúm H7N9 trên chim bồ câu ở Hồ Nam |
Tính đến thời điểm này, tại Trung Quốc đã phát hiện 21 trường hợp nhiễm cúm H7N9, trong đó có 6 ca đã tử vong. Đáng chú ý có trường hợp một bệnh nhân nam 87 tuổi cùng hai con trai ở Thượng Hải phải nhập viện với các triệu chứng ho và sốt, sau đó người bố và một trong hai người con đã tử vong. Ban đầu, giới chức địa phương lo ngại khả năng lây nhiễm virus cúm H7N9 trong gia đình này, song các kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy virus cúm chỉ được tìm thấy trên cơ thể người bố.
Một quan chức Bộ Y tế Trung Quốc cho biết nước này đã bắt đầu nghiên cứu điều chế vaccine phòng cúm H7N9, tuy nhiên sẽ mất khoảng sáu đến tám tháng để đưa vaccine ra thị trường do sự phức tạp của quá trình nghiên cứu và điều chế.
Một chuyên gia thú y thuộc Bộ Nông nghiệp trung Quốc (MOA) ngày 7-4 cho biết có thể chim di cư đã mang virus cúm H7N9 đến Trung Quốc. Theo chuyên gia Vu Khang Chấn, virus H7N9 hầu hết được tìm thấy trên các con gia cầm sống bán ngoài chợ mà không phát hiện tại các trang trại nuôi gia cầm. Vì đến nay vẫn chưa rõ nguồn lây nhiễm và cách thức lây virus H7N9, không loại trừ khả năng chim di cư đã đem chủng virus cúm chết người này đến Trung Quốc.
(Theo Xinhua)