Tối qua, lực lượng cứu hộ của Bangladesh đã tìm thấy thêm 50 người còn sống bên dưới đống đổ nát của tòa nhà bị sập tại ngoại ô thủ đô Dhaka. Trong khi đó số người thiệt mạng cũng đã lên tới hơn 300.
Tối qua, lực lượng cứu hộ của Bangladesh đã tìm thấy thêm 50 người còn sống bên dưới đống đổ nát của tòa nhà bị sập tại ngoại ô thủ đô Dhaka. Trong khi đó số người thiệt mạng cũng đã lên tới hơn 300.
Hãng tin AFP dẫn nguồn tin của quân đội Bangladesh cho biết đến chiều tối qua, tổng cộng 304 người được xác định đã thiệt mạng sau khi tòa nhà 8 tầng tại thị trấn Savar, ngoại ô Dhaka đổ sụp hôm 24/4.
Công tác cứu hộ vẫn đang được tiến hành khẩn trương và đã có thêm nhiều trường hợp được giải cứu thành công. “Chúng tôi đã tìm thấy khoảng 50 người vẫn còn sống tại một vài địa điểm trên tầng 3 của tòa nhà sau khi đào được các đường hầm. Chúng tôi hy vọng có thể đưa họ ra ngoài trong sáng mai (27/4)”, Sheikh Mizanur Rahman, phó giám đốc cơ quan cứu hỏa Bangladesh khẳng định.
Việc tìm thấy thêm nhiều người sống sót đã đem đến những hy vọng mới cho hàng nghìn người đang mong ngóng tin tức người thân tại hiện trường. Trong khi đó mùi hôi thối nồng nặc từ các thi thể phân hủy bốc lên cho thấy nhiều nạn nhân tử nạn chưa được đưa ra khỏi đống đổ nát.
“Trong hôm nay (26/4) chúng tôi đã giải cứu được 80 người còn sống từ đống đổ nát”, ông Rahman cho biết thêm. Tổng cộng đã có 2300 người được cứu sống kể từ khi vụ sập nhà kinh hoàng xảy ra, nhưng nhiều người bị thương nặng.
Các nhóm cứu hộ, binh lính, lực lượng cứu hỏa và các tình nguyện viên hiện đang sử dụng các máy cắt bê tông và máy khoan để chạy đua với thời gian trong cái nóng oi ả, nhằm tìm thấy thêm người sống sót.
Khi màn đêm buông xuống, các đèn cao áp lại chiếu sáng cả núi bê tông, sắt thép cao chất ngất, trong lúc người thân của các nạn nhân cầm theo ảnh của thành viên gia đình còn mất tích khắc khoải chờ đợi.
Trước đó trong buổi sáng, cảnh sát đã phải rất vất vả mới kiểm soát được nhiều đám đông công nhân giận dữ biểu tình sau thảm kịch. Sự phẫn nộ càng lên cao khi có thông tin tiết lộ rằng chủ cơ sở may bên trong tòa nhà bị sập đã buộc công nhân trở lại tòa nhà trong sáng thứ Tư bất chấp những vết nứt đã xuất hiện bên trong tòa nhà từ hôm trước.
Cảnh sát đã phải dùng đạn hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông người biểu tình sau khi họ chặn các tuyến đường, đập phá nhà xưởng và xe buýt tại các khu công nghiệp may mặc quanh Dhaka. Những công nhân này hàng ngày vẫn may quần áo cho các thương hiệu nổi tiếng của phương Tây với mức lương tối thiếu chỉ 37 USD/tháng.
“Tình hình hiện rất phức tạp”, M. Asaduzzaman, một sỹ quan cảnh sát bên trong phòng điều hành tại trung tâm sản xuất Gazipur khẳng định với AFP.
Đến nay nhiều nhà bán lẻ hàng may mặc châu Âu trong đó có tập đoàn hàng thời trang giá rẻ Primark của Anh và “gã khổng lồ” của Tây Ban Nha Mango đã thừa nhận có sản phẩm được sản xuất tại tòa nhà bị sập. Nhiều tập đoàn lớn khác như Walmart của Mỹ và Carrefour của Pháp cho biết đang điều tra.
Vụ tai nạn đã khiến các nhà hoạt động vì người lao động cáo buộc các công ty may mặc phương Tây đặt lợi nhuận lên trên an toàn của công nhân, khi đặt mua sản phẩm tại Bangladesh, quốc gia nổi tiếng với những thảm họa chết người do mất an toàn sản xuất.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết ông “đau buồn sâu sắc trước những tổn thất về sinh mạng” do vụ sập nhà gây ra và muốn trợ giúp cho Bangladesh.
Tổ chức Quan sát nhân quyền (HRW) khẳng định vụ sập nhà “cho thấy nhu cầu khẩn thiết phải nâng cao sự bảo vệ của Bangladesh đối với sức khỏe và an toàn của công nhân”.
Trong ngày hôm qua, trong số 4500 xưởng may trên khắp Bangladesh, nhiều xưởng đã phải cho công nhân nghỉ làm vì sợ xảy ra biểu tình có thể dẫn tới hư hại cho nhà máy. Trong khi đó các tổ chức công đoàn đã kêu gọi biểu tình trong ngày hôm nay để đòi hỏi điều kiện làm việc tốt hơn.
Theo AFP