Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày Quốc tế Lao động trên thế giới

11:04, 30/04/2013

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 ra đời năm 1889 nhằm kỉ niệm phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng của người lao động trên toàn thế giới. Đến nay, ngày 1/5 đã trở thành ngày nghỉ lễ chính thức tại hơn 80 nước và vùng lãnh thổ. Người dân nhiều nước khác dù không được nghỉ làm cũng có nhiều hoạt động kỷ niệm.

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 ra đời năm 1889 nhằm kỉ niệm phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng của người lao động trên toàn thế giới. Đến nay, ngày 1/5 đã trở thành ngày nghỉ lễ chính thức tại hơn 80 nước và vùng lãnh thổ. Người dân nhiều nước khác dù không được nghỉ làm cũng có nhiều hoạt động kỷ niệm.

 

Argentina


Ngày 1/5 là ngày nghỉ lễ chính thức của Argentina. Trong ngày này, nhiều hoạt động kỷ niệm liên quan đến phong trào lao động được tổ chức, trong đó có tuần hành ở những thành phố lớn nhất nước. Người dân Argentina cũng có thói quen tụ tập với bạn bè tại các điểm vui chơi hay nơi làm việc để ăn uống.


Argentina kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động đầu tiên vào năm 1890 cùng với phong trào lao động quốc tế. Khi đó, các công đoàn Argentina đã tổ chức một số hoạt động chung tại thủ đô Buênốt Airết và nhiều thành phố khác. Năm 1909, cảnh sát đã giết chết 9 công nhân trong lễ kỷ niệm ngày 1/5 ở Buênốt Airết. Đây là vụ thảm sát xã hội đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Argentina. Năm 1930, chính quyền độc tài quân sự ở Argentina cấm kỷ niệm ngày 1/5. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 1946 đến 1955, ngày này lại rất được chính phủ của Tổng thống Juan D. Perón coi trọng.

 

Chile


Năm 1931, Tổng thống Carlos Ibáñez del Campo ra sắc lệnh quy định ngày 1/5 hàng năm là ngày lễ quốc gia của Chile để vinh danh tầng lớp công nhân. Trong ngày này, hầu hết các cửa hàng và dịch cụ công đều ngừng hoạt động. Các nghiệp đoàn lớn ở Chile tổ chức tuần hành vào buổi sáng và nhiều hoạt động mang tính lễ hội vào buổi chiều và tối trên mọi thành phố lớn. Trong những cuộc tuần hành này, đại diện của các đảng chính trị cánh tả thường đề cập đến những vấn đề liên quan đến quyền lợi của công nhân.

Cuba


Ngày Quốc tế Lao động là một ngày lễ quan trọng ở Cuba và thường được tổ chức rất long trọng. Ngày 1/5/2012, hàng trăm ngàn công nhân mặc áo đỏ, tay vẫy cờ đỏ đã tham gia cuộc diễu hành qua quảng trường Cách mạng ở thủ đô La Habana. Cuộc diễu hành nhằm khẳng định quyết tâm xây dựng xã hội chủ nghĩa của nhân dân và chính phủ Cuba. Chủ đề lễ diễu hành năm 2012 là “Bảo vệ và hoàn thiện chủ nghĩa xã hội”.

 

Hàng ngàn người Cuba diễu hành với khẩu hiệu “Bảo vệ và hoàn thiện chủ nghĩa xã hội” tại quảng trường Cách mạng ở La Habana ngày 1/5/2012. Ảnh: Internet


Cuba đã mời 1.800 lãnh đạo các tổ chức xã hội và lao động ở hơn 100 quốc gia tới dự lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động năm 2012. Một trong số đó, ông Leonardo Lagarde đến từ Urugoay, bày tỏ: “Đây là thánh địa Mecca. Chúng tôi mơ được đến đây vào ngày 1/5 để kỷ niệm với nhân dân Cuba. Họ là ánh sáng soi đường cho toàn thể Mỹ Latinh”.

 

Mỹ


Ở Mỹ, ngày Lao động là ngày ghi nhận những đóng góp xã hội và kinh tế của tầng lớp công nhân đối với đất nước. Thế nhưng, ngày Lao động không được tổ chức vào ngày 1/5 như các nước khác mà nó diễn ra vào ngày thứ hai đầu tiên của tháng 9. Mong muốn của tầng lớp lao động là kỷ niệm ngày Lao động vào ngày 1/5 như các nước khác chưa bao giờ thành hiện thực.

 

Những người theo chủ nghĩa xã hội tập trung ở quảng trường Union tại thành phố New York ngày 1/5/1912. Ảnh: Internet


Năm 1921, sau cuộc Cách mạng Nga năm 1917, ngày 1/5 ở Mỹ được cựu chiến binh Mỹ từng tham gia các cuộc chiến ở nước ngoài coi là Ngày Mỹ hóa (Americanization Day) để phản đối chủ nghĩa cộng sản. Năm 1949, Ngày Mỹ hóa được đổi tên thành Ngày Trung thành (Loyalty Day). Năm 1958, quốc hội Mỹ tuyên bố Ngày Trung thành là ngày lễ quốc gia. Cùng năm đó, Tổng thống Dwight D. Eisenhower cũng tuyên bố ngày 1/5 là Ngày Pháp luật (Law Day).


Tuy nhiên, các công đoàn ở Mỹ vẫn duy trì mối liên kết với công đoàn thế giới thông qua các hoạt động kỷ niệm ngày 1/5. Trong thời Đại suy thoái những năm 1930, hàng trăm ngàn công nhân đã diễu hành vào ngày 1/5 tại quảng trường Union ở New York. Năm 2006, các tổ chức người nhập cư Mỹ Latinh ở Mỹ coi ngày 1/5 là ngày để “đại tẩy chay Mỹ” (Great American Boycott). Đây là một cuộc tổng bãi công của công nhân nhập cư bất hợp pháp phản đối cải cách luật nhập cư mà theo họ là hà khắc.


Năm 2012, hàng chục ngàn người đã tuần hành trên đường phố New York và toàn nước Mỹ để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, đồng thời phản đối tình trạng trì trệ của nền kinh tế, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn và tình trạng bất công kinh tế. Thành viên phong trào Chiếm lấy Phố Wall và các công đoàn đã cùng tổ chức biểu tình ở nhiều thành phố tại Mỹ và Canađa.

 

Trung Quốc


Chính phủ Trung Quốc bắt đầu kêu gọi kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động từ năm 1948. Tháng 12/1949, Trung Quốc chính thức coi ngày 1/5 là ngày nghỉ để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động.


Từ năm 2000 đến 2007, người Trung Quốc được nghỉ 1 tuần nhân dịp Quốc tế Lao động. Đây là cơ hội vàng để nghỉ ngơi, thư giãn. Các ngành như du lịch, dịch vụ được dịp hốt bạc trong tuần lễ này. Nó được coi là một trong ba Tuần lễ Vàng của Trung Quốc. Tuy nhiên, từ năm 2008, dịp nghỉ này chỉ còn 1 ngày. Nếu cộng với 2 ngày nghỉ cuối tuần gần nhất, người Trung Quốc thường có 3 ngày nghỉ dịp này.


Giống như các ngày lễ lớn khác, ngày Quốc tế Lao động được kỷ niệm tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Vào ngày 1/5, dân chúng thường kéo nhau về quảng trường từ lúc trời nhá nhem để có mặt vào lúc mặt trời mọc xem lễ thượng cờ. Các con đường dẫn tới quảng trường Thiên An Môn và tại quảng trường đều có các binh sĩ đứng thành hàng. Khi quốc ca vang lên, các binh sĩ sẽ tiến tới cột cờ và bắt đầu những động tác đơn giản để đưa lá cờ lên cao. Dù ngày nào ở quảng trường này cũng có nghi lễ thượng cờ nhưng người dân vẫn háo hức xem nghi lễ vào ngày 1/5.


Philippines


Ngày nay, ngày 1/5 được coi là ngày nghỉ ở Philippines. Các công đoàn thường tổ chức tuần hành rầm rộ tại nhiều thành phố lớn. Các cuộc tuần hành quy mô đã được tổ chức từ đầu thế kỷ trước. Ngày 1/5/1903, Công đoàn Dân chủ Philippines đã tổ chức biểu tình lớn trước cung Malacanan để đòi quyền lợi kinh tế cho công nhân và đòi độc lập cho đất nước. 10 năm sau, lễ kỷ niệm chính thức đầu tiên ngày Quốc tế Lao động đã được tổ chức khi 36 công đoàn cùng họp mặt tại thủ đô Manila.


Dưới thời Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo, chính phủ áp dụng chính sách kinh tế nghỉ lễ, theo đó các ngày nghỉ được dịch về cuối tuần để người lao động có thể nghỉ dài ngày hơn. Chính sách này được áp dụng cho ngày Quốc tế Lao động năm 2002 và nó được tổ chức vào ngày 29/4 thay vì 1/5. Các tổ chức lao động phản đối chính sách này vì họ cho rằng chính quyền của bà Arroyo xem nhẹ giá trị ngày Quốc tế Lao động.


Đến năm 2008, ngày Quốc tế Lao động bị loại ra khỏi danh sách ngày nghỉ áp dụng chính sách kinh tế nghỉ lễ và được tổ chức kỷ niệm đúng ngày 1/5 cho dù nó rơi vào ngày đầu tuần hay giữa tuần.

 

Đức


Tháng 4/1933, chính quyền đảng Quốc xã Đức đã tuyên bố ngày 1/5 là “Ngày Lao động Toàn quốc” - một ngày nghỉ lễ chính thức. Chính quyền cũng tuyên bố rằng mọi hoạt động kỷ niệm phải do chính phủ tổ chức, bất kỳ hoạt động riêng rẽ nào do những người theo chủ nghĩa cộng sản, dân chủ xã hội và công đoàn tổ chức đều bị cấm.


Sau Thế chiến thứ hai, ngày 1/5 vẫn là ngày nghỉ lễ quốc gia ở cả Đông và Tây Đức. Ở Đông Đức, người lao động tham gia các lễ diễu hành lớn do nhà nước tổ chức vào ngày 1/5.


Từ năm 1987, ngày 1/5 gắn liền với các vụ bạo động ở một số khu vực thuộc thủ đô Béclin. Các cuộc biểu tình năm 1987 của những người theo chủ nghĩa tự trị (Autonome) đã bị cảnh sát dập tắt. Họ đã tản ra và trà trộn vào người tham gia lễ hội đường phố đang diễn ra ở khu vực Kreuzberg. Các lễ hội này có tác dụng hiệu quả trong ngăn chặn bạo loạn. Ngày Quốc tế Lao động năm 2005 và 2006 được coi là những ngày 1/5 bình yên nhất ở Béclin trong vòng gần 25 năm qua.


Trong những năm gần đây, những người theo chủ nghĩa phát xít mới và một số tổ chức cực hữu khác như đảng Dân chủ Quốc gia Đức (NDP) thường tổ chức biểu tình vào ngày 1/5. Các cuộc biểu tình thường dẫn tới đụng độ với người phe cánh tả và đã gây ra cảnh bạo lực nghiêm trọng ở Leipzig năm 1998 và 2005.


Bạo lực ngày 1/5 bùng phát trở lại vào năm 2010. Biểu tình của phe cực hữu bị phe cánh tả ngăn chặn. Cuộc xung đột đã khiến cảnh sát Béclin phải ra tay dập tắt.

 

Nga


Trước cuộc cách mạng tháng Hai năm 1917, các hoạt động tổ chức ngày Quốc tế Lao động ở Nga bị coi là bất hợp pháp. Về sau, ngày này là ngày nghỉ chính thức quan trọng của Liên bang Xô Viết. Các cuộc diễu hành quy mô nhất thường được tổ chức trên Quảng trường Đỏ.

 

Tuần hành nhân ngày 1/5 ở Izhevsk, Nga năm 2008.Ảnh: Internet


Trong vòng 100 năm (1890-1990), ngày 1/5 là biểu tượng của cuộc đấu tranh giai cấp ở Nga. Công nhân tổ chức biểu tình thường niên vào ngày này từ năm 1890 đến 1917, đòi cải thiện điều kiện làm việc và tăng lương. Năm 1918, ngày 1/5 trở thành một ngày lễ quan trọng ở Liên bang Xô Viết với tên Ngày đoàn kết công nhân quốc tế. Phần lớn các thành phố đều tổ chức diễu hành vào ngày này.


Từ năm 1992, ngày 1/5 chính thức được gọi là “Ngày Mùa xuân và Lao động”. Nó mất dần ý nghĩa chính trị khi Liên bang Xô Viết sụp đổ nhưng vẫn là một ngày lễ lớn ở nước Nga thời nay. Một số đảng và công đoàn vẫn có thể tổ chức biểu tình, tuần hành vào ngày 1/5 nhưng phần lớn người Nga coi đây là dịp để xả hơi. Họ có thể về quê để làm vườn hoặc nghỉ ngơi cùng gia đình. Đi dã ngoại và tổ chức ăn thịt nướng ngoài trời cũng là những hoạt động phổ biến. Để đánh dấu thời điểm đông qua - xuân tới, nam giới thường tặng hoa, đặc biệt là hoa tulip và tử đinh hương cho phụ nữ; bố mẹ thường mua bóng bay và kem cho con cái.


Trong ngày 1/5, phần lớn ngân hàng, tòa nhà công cộng và trường học đều đóng cửa. Tháng 12/2012, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã ký sắc lệnh kéo dài ngày nghỉ Mùa xuân và Lao động từ thứ 4 ngày 1/5/2013 đến chủ nhật ngày 5/5/2013.

Baotintuc

 

Tin xem nhiều