Báo Đồng Nai điện tử
En

Phản ứng quốc tế về nghị quyết trừng phạt Triều Tiên

08:03, 08/03/2013

Phản ứng về nghị quyết ngày 7/3 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tăng cường trừng phạt Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jay Carney cùng ngày khẳng định các lệnh trừng phạt mới này "sẽ rất cứng rắn," đồng nghĩa với việc từ giờ Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với các "rào cản mới" trong việc phát triển các chương trình hạt nhân gây tranh cãi.

Toàn cảnh cuộc bỏ phiếu tại HĐBA LHQ ở New York ngày 7/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Phản ứng về nghị quyết ngày 7/3 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tăng cường trừng phạt Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jay Carney cùng ngày khẳng định các lệnh trừng phạt mới này "sẽ rất cứng rắn," đồng nghĩa với việc từ giờ Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với các "rào cản mới" trong việc phát triển các chương trình hạt nhân gây tranh cãi. 

Phát biểu trước báo giới, ông Carney nhận định nghị quyết mới nhất của Hội đồng Bảo an đã làm gia tăng "sự cô lập" của Triều Tiên, và Bình Nhưỡng đang phải "trả giá" cho cái mà Mỹ gọi là "hành động mang tính khiêu khích."

Theo quan chức Nhà Trắng, cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục thống nhất trong cam kết thực hiện một vùng phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng thực thi các quy định quốc tế. 

Về cuộc tấn công hạt nhân mà Triều Tiên vừa đe dọa sẽ tiến hành, ông Carney khẳng định nước Mỹ "đủ năng lực" phòng thủ trước bất cứ cuộc tấn công tên lửa đạn đạo nào của Bình Nhưỡng. 

Trong khi đó, phát biểu trước Ủy ban Quan hệ Đối ngoại thuộc Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sỹ Bob Menendez đã lên tiếng cảnh báo Triều Tiên rằng bất cứ cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nào nhằm vào nước Mỹ sẽ là "hành động tự sát," đồng thời khẳng định Bình Nhưỡng là "mối đe dọa ngày càng lớn."

[LHQ thông qua nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên]

Cùng ngày, Trung Quốc đánh giá nghị quyết nói trên của Hội đồng Bảo an tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên liên quan đến vụ thử hạt nhân vừa qua của Bình Nhưỡng là "cân bằng."

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận định nghị quyết này là "một phản ứng cần thiết và hợp lý," phản ánh sự phản đối của cộng đồng quốc tế đối với vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời mở ra hướng giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên thông qua các giải pháp hòa bình. 

Các lệnh trừng phạt này nằm trong các "lợi ích cơ bản" của cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định tại khu vực Đông Bắc Á. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh tham gia vào các cuộc đàm phán 6 bên, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế và tránh những hành động có thể làm gia tăng căng thẳng.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lý Bảo Đông cũng kêu gọi "việc thực thi đầy đủ" nghị quyết này, đồng thời tuyên bố nghị quyết trên là "sự phản ánh quan điểm và quyết tâm của cộng đồng quốc tế đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên."

Tại Ottawa, Ngoại trưởng Canada John Baird cũng cho biết chính phủ nước này ủng hộ các hình thức trừng phạt Triều Tiên. Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn lời Ngoại trưởng Baird nói rằng đây là thời điểm Chính phủ Triều Tiên cần từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo nguy hiểm. Ông Baird cho biết Canada sẽ tiếp tục phối hợp với các đồng minh và đối tác quốc tế để thực hiện các biện pháp thích hợp đối với Triều Tiên. 

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Mỹ đã phong tỏa tài sản của ba công dân Triều Tiên có liên hệ với cơ quan buôn bán vũ khí hàng đầu của Bình Nhưỡng là Tổng Công ty phát triển khai mỏ Triều Tiên (KOMID). 

Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt một công dân Triều Tiên làm việc tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với tư cách là đại diện của Ngân hàng Thương mại Tanchon, chi nhánh tài chính của KOMID. Hai nhân vật khác là những đại diện trực tiếp của cơ quan này ở thành phố Đại Liên, Trung Quốc. Những lệnh trừng phạt này đã phong tỏa tài sản của những nhân vật trên và cấm công dân Mỹ tiến hành giao dịch với họ.

Trước đó cùng ngày, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết số 2094, do Mỹ đệ trình và được 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an thông qua, nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên liên quan đến vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng hồi tháng 2 vừa qua. 

Nghị quyết này buộc các quốc gia và cá nhân phải ngừng toàn bộ các giao dịch tài chính liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như xuất khẩu vũ khí của Triều Tiên, và tăng cường giám sát các nhà ngoại giao Triều Tiên. 

[Triều Tiên dọa tấn công hạt nhân "phủ đầu" để tự vệ]

Nghị quyết cũng yêu cầu quốc tế kiểm soát tàu thuyền và máy bay của Triều Tiên nếu nghi ngờ chuyên chở hàng hóa bị cấm, bao gồm cả các loại hàng hóa xa xỉ, đồng thời nhấn mạnh các nước trong Liên hợp quốc phải từ chối không cho đi qua không phận của mình các máy bay nghi ngờ chuyên chở vật liệu cấm cho Triều Tiên. 

Ngoài ra, Hội đồng Bảo an cũng yêu cầu bổ sung danh mục các vật liệu và công nghệ cấm buôn bán với Triều Tiên nhằm ngăn chương trình làm giàu urani của quốc gia này. 

Nghị quyết mới bổ sung 3 cá nhân và 2 cơ quan của Triều Tiên vào danh sách chịu lệnh phong tỏa tài sản và cấm đi lại, đưa danh sách trừng phạt lên con số 17 công ty và 9 cá nhân. Nghị quyết cũng nêu rõ Hội đồng Bảo an sẽ có những biện pháp đáng kể tiếp theo nếu Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân hoặc vụ phóng tên lửa mới. 

So với các nghị quyết trước đây của Hội đồng Bảo an, nghị quyết lần này được xem là mở rộng lệnh trừng phạt với mức độ nặng hơn, bao gồm cả lĩnh vực thương mại, tài chính, vận chuyển và ngoại giao. 

Theo Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Susan Rice, bản nghị quyết này sẽ đẩy lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên lên một mức độ cao nhất từ trước tới nay./. 
 

 

Tin xem nhiều