4 chiếc tàu của Trung Quốc bị nhìn thấy tại vùng nước tranh chấp trên biển Hoa Đông hôm nay, giữa lúc Tokyo và Bắc Kinh có những căng thẳng mới về chủ quyền.
4 chiếc tàu của Trung Quốc bị nhìn thấy tại vùng nước tranh chấp trên biển Hoa Đông hôm nay, giữa lúc Tokyo và Bắc Kinh có những căng thẳng mới về chủ quyền.
Tàu hải giám của Trung Quốc hoạt động gần Senkaku/Điếu Ngư hồi năm ngoái. Ảnh: Xinhua |
Lần đầu tiên kể từ sau vụ Tokyo tố tàu Trung Quốc khóa radar ngắm bắn vào một tàu của Nhật, các tàu hải giám của Bắc Kinh hôm nay xuất hiện gần quần đảo hai nước tranh chấp. Nhật quản lý nhóm đảo này và gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và đặt tên là Điếu Ngư.
Các tàu của Trung Quốc được nhìn thấy di chuyển tại vùng nước tiếp giáp gần một trong các đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư, AFP dẫn lời lực lượng tuần duyên Nhật cho biết.
Trước đó, Nhật Bản cho biết tàu của Trung Quốc hướng radar ngắm bắn vào tàu của nước này hồi tuần trước, đánh dấu lần đầu tiên hải quân hai nước trực tiếp "đối đầu" xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp trên biển Hoa Đông mà một số nhà phân tích lo ngại có thể xảy ra xung đột vũ trang.
Sau khi Nhật tuyên bố về việc tàu Trung Quốc đưa tàu Nhật vào tầm ngắm của radar, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta kêu gọi Trung Quốc tránh đối đầu mà nên tìm kiếm cuộc đối thoại hòa bình với Nhật.
Vào các ngày 19 và 30/1, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố trong một thông báo rằng radar trên tàu của nước này duy trì hoạt động bình thường và radar kiểm soát hỏa lực không được sử dụng. Nhật Bản ngay lập tức phản pháo. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Fumio Kishida cho biết ông không thể chấp nhận lời giải thích kể trên, trong khi Thủ tướng Shinzo Abe yêu cầu Trung Quốc phải xin lỗi cũng như thừa nhận vụ việc. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera thậm chí tuyên bố Tokyo đang cân nhắc việc công bố dữ liệu quân sự làm bằng chứng cho sự tồn tại của vụ việc kể trên.
Căng thẳng Nhật - Trung lên cao kể từ tháng 9, khi Tokyo tuyên bố quốc hữu hóa ba trong số các đảo ở Senkaku/Điếu Ngư. Kể từ đó Bắc Kinh liên tục cho các tàu và máy bay tiếp cận hải phận và không phận quần đảo, khiến lực lượng phòng vệ và tuần duyên Nhật phải điều tàu và máy bay ra xua đuổi.
Theo VnExpress