Ngày 9-12, Mặt trận Cứu quốc (NSF), tổ chức đối lập hàng đầu quy tụ nhiều chính đảng tự do và cánh tả ở Ai Cập, đã ra tuyên bố bác bỏ hoàn toàn cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 15-12 tới.
Ngày 9-12, Mặt trận Cứu quốc (NSF), tổ chức đối lập hàng đầu quy tụ nhiều chính đảng tự do và cánh tả ở Ai Cập, đã ra tuyên bố bác bỏ hoàn toàn cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 15-12 tới.
Một người chống Tổng thống Morsi đứng trước xe tăng triển khai bên ngoài dinh tổng thống ở Cairo hôm 8-12. |
Tuyên bố trên, được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi thông báo hủy bỏ Tuyên bố Hiến pháp gây tranh cãi của mình, nhấn mạnh: "NSF quyết định không công nhận cuộc trưng cầu ý dân sắp tới cũng như bản dự thảo Hiến pháp" mà NSF nhận định là "lố bịch". Theo tuyên bố, việc tổ chức trưng cầu ý dân vào lúc này sẽ chỉ làm chia rẽ thêm xã hội Ai Cập và có nguy cơ đẩy đất nước vào tình trạng đối đầu bạo lực. Cũng theo NSF, bản dự thảo Hiến pháp hiện nay không phản ánh hy vọng cũng như nguyện vọng của người dân Ai Cập sau cuộc cách mạng đầu năm 2011, đồng thời làm tăng sự "độc tài" của Tổng thống.
NSF cũng kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình một triệu người vào ngày 11-12 tới tại các quảng trường trên khắp cả nước nhằm phản đối dự thảo Hiến pháp và cuộc trưng cầu ý dân. Trong khi đó, Liên minh các lực lượng Hồi giáo, tổ chức quy tụ nhiều chính đảng và phong trào Hồi giáo, cũng kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình hai triệu người nhằm ủng hộ Tổng thống Morsi vào cùng thời điểm tại thủ đô Cairo, thành phố Alexandria và tỉnh Assiut. Ngoài ra, nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan Salafi đã kêu gọi hàng triệu người ủng hộ tham gia cuộc biểu tình lớn tổ chức vào ngày 10-12 phía trước Trung tâm Truyền thông ở Cairo với yêu cầu hủy các chương trình đối thoại trên truyền hình và kêu gọi tẩy chay các tờ báo bị cho là có quan điểm chống lại người Hồi giáo.
* Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị đang leo thang, đương kim Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi tỏ ra khá cứng rắn khi ban hành sắc lệnh mới trao cho quân đội Ai Cập quyền bắt giữ, đồng thời chỉ thị quân đội hợp tác với cảnh sát cho đến thời điểm công bố kết quả của cuộc trưng cầu ý dân.
Cho đến nay, mặc dù đã triển khai xe tăng và binh lính xung quanh Phủ Tổng thống, song quân đội Ai Cập vẫn thể hiện nỗ lực giữ vai trò trung lập, chưa có động thái mạnh nào đối với người biểu tình.
(Theo BBC)