Ngày 26/11, tại trung tâm báo chí Liên hợp quốc ở Geneva, Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) đã công bố “Báo cáo 2012 về các nước kém phát triển” với chủ đề “Tận dụng lượng kiều hối và tri thức kiều dân để tăng cường khả năng sản xuất.”
Ông Supachai Panitchpakdi, Tổng thư ký UNCTAD tại cuộc họp báo. |
Khai thác kiều hối
Theo UNCTAD, tỉ lệ tăng trưởng của các nước kém phát triển trong năm 2011 đã giảm, chỉ đạt 4,2% so với 5,6 % năm 2010. Hiện nay, với xu thế khó khăn chung trên thế giới, các nước này sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong năm 2012 và 2013, trong bối cảnh đó, lượng kiều hối đổ về các nước kém phát triển giữ vai trò rất quan trọng trong đa dạng hóa và cải thiện nền kinh tế.
Hiện có khoảng 27 triệu công dân các nước kém phát triển (chiếm khoảng 3,3% dân số các nước này) di cư ra nước ngoài, 80% trong số đó sống tại các nước đang phát triển.
Trong giai đoạn từ 1990 đến 2011, số tiền mà công dân các nước kém phát triển làm việc ở nước ngoài gửi về quê hương đã tăng gấp 8 lần, từ 3,5 tỉ USD lên đến 27 tỷ USD, tính trong giai đoạn 2008-2010, lượng kiều hối gửi về các nước kém phát triển đã vượt trên số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển (ODA) tại 9 nước gồm Bangladesh, Haïti, Lesotho, Nepal, Samoa, Senegal, Sudan, Togo và Yemen.
Tuy nhiên phần lớn số tiền này được chuyển trực tiếp đến gia đình họ, do đó, UNCTAD đã khuyến nghị chính phủ các nước đó nên có những chính sách hợp lý để khai thác được số tiền trên vào việc đa dạng hóa và tăng cường tiềm lực kinh tế.
Theo UNCTAD, 48 quốc gia kém phát triển hiện nay cần có các biện pháp như cải thiện hệ thống dịch vụ tài chính-ngân hàng, giảm lệ phí chuyển tiền … để lượng kiều hối được chuyển về trong nước dễ dàng và được đưa vào đầu tư, phát triển các xí nghiệp nhỏ, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Chuyển giao tri thức và chống chảy máu chất xám
Theo số liệu thông kê của UNCTAD, nạn chảy máu chất xám tại các nước kém phát triển chiếm tỉ lệ rất lớn. Cụ thể, trong số 27 triệu người di cư nói trên có khoảng 2 triệu người có trình độ đại học và tại các nước kém phát triển, cứ 1/5 người có trình độ đại học làm việc ở nước ngoài so với tỉ lệ 1/25 tại các nước phát triển. Trong số 48 nước kém phát triển nói trên, sáu nước có tỉ lệ người dân có trình độ đại học làm việc tại nước ngoài nhiều hơn là trong nước.
UNCTAD đã đề xuất cơ chế quốc tế nhằm hỗ trợ công dân các nước kém phát triển làm việc tại nước ngoài có thể chuyển giao tri thức và đầu tư chất xám trên chính quê hương họ, đồng thời ngăn chặn nạn chảy máu chất xám tại các nước này.
Cơ chế chuyển giao tri thức mà UNCTAD đề xuất nhằm khuyến kích kiều dân các nước kém phát triển, có trình độ chuyên môn cao quay về hỗ trợ trong nước, nhất là trong lĩnh vực công nghệ trung và cao như máy móc, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học… và các ngành đòi hỏi trình độ cao như kỹ sư, cố vấn.
Trong danh sách 48 nước kém phát triển, các nước châu Phi chiếm đa số (33 quốc gia), châu Á có 9 nước gồm Afghanistan, Bangladesh, Boutan, Campuchia, Lào, Myanmar, Nepal, Timo Leste và Yemen./.
Hoàng Long/Geneva (Vietnam+)