Báo Đồng Nai điện tử
En

Dư luận về việc LHQ nâng cấp quy chế cho Palestine

10:11, 30/11/2012

Ngày 30-11, sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) bỏ phiếu thông qua nghị quyết nâng cấp quy chế cho Palestine từ thực thể quan sát viên lên nhà nước quan sát viên, người dân Palestine cũng như dư luận nhiều nước trên thế giới đã nhanh chóng bày tỏ hoan nghênh động thái này.

Ngày 30-11, sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) bỏ phiếu thông qua nghị quyết nâng cấp quy chế cho Palestine từ thực thể quan sát viên lên nhà nước quan sát viên, người dân Palestine cũng như dư luận nhiều nước trên thế giới đã nhanh chóng bày tỏ hoan nghênh động thái này.

Tổng thống Palestine Abbas phát biểu với báo giới về công bố dự thảo nghị quyết về nâng cấp quy chế tại LHQ
Tổng thống Palestine Abbas phát biểu với báo giới về công bố dự thảo nghị quyết về nâng cấp quy chế tại LHQ

[links(left)]Trước khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas có bài phát biểu tại ĐHĐ LHQ đề nghị nâng cấp quy chế và kêu gọi ĐHĐ LHQ "cấp một giấy khai sinh cho Nhà nước Palestine", ngày 29-11 trên khắp các vùng lãnh thổ Palestine đã diễn ra nhiều hoạt động ủng dự thảo nghị quyết này, bắt đầu bằng các cuộc tuần hành từ trưa ở Bờ Tây và Dải Gaza.

Hàng ngàn người Palestine tập trung trước màn hình lớn ở quảng trường mang tên cố lãnh đạo Yasser Arafat tại thành phố Ramallah ở Bờ Tây đã vỡ òa trong không khí ăn mừng khi kết quả bỏ phiếu tại ĐHĐ LHQ được công bố với tỷ lệ 138 quốc gia bỏ phiếu thuận, 41 quốc gia bỏ phiếu trắng và 9 quốc gia bỏ phiếu chống. Pháo hoa thắp sáng thành phố Ramallah.

Phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza đã nhanh chóng lên tiếng hoan nghênh việc ĐHĐ LHQ nâng cấp quy chế cho Palestine, coi đây là "một chiến thắng mới trên con đường giải phóng Palestine". Mới gần đây, giới lãnh đạo Hamas ở Gaza vẫn phản đối dự thảo nghị quyết đề nghị nâng cấp quy chế đối với Palestine của Tổng thống Palestine Abbas, người đứng đầu phong trào Fatah vốn mâu thuẫn gay gắt với Hamas những năm gần đây. Họ cho rằng đây là nỗ lực đơn phương của Tổng thống Abbas, không có sự tham vấn với tất cả các phong trào chính trị Palestine. Nhưng sau khi thủ lĩnh chính trị phong trào Hamas, Khaled Meshaal cùng các thành viên của giới lãnh đạo lưu vong tuyên bố ủng hộ nỗ lực nâng cao vị thế của Palestine tại LHQ, chính quyền ở Dải Gaza đã thay đổi quan điểm, cho phép người dân tổ chức các cuộc tuần hành ủng hộ. Đây cũng được xem là dấu hiệu có thể Hamas sẽ sẵn sàng tiếp tục đối thoại hòa giải với Fatah.

Việt Nam chúc mừng Palestine

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói: Việt Nam chúc mừng Palestine được Đại hội đồng Liên Hợp quốc trao quy chế Nhà nước quan sát viên phi thành viên, coi đây là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine vì các quyền dân tộc cơ bản, trong đó có quyền thành lập một Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền, cùng tồn tại hòa bình bên cạnh Nhà nước Israel.

Israel, nằm trong 9 quốc gia bỏ phiếu chống, cũng sớm đưa ra phản ứng. Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ra thông báo nói rằng việc nâng cấp quy chế cho Palestine tại LHQ là "một quyết định vô nghĩa sẽ không làm thay đổi điều gì". Thủ tướng Netanyahu trước đó đã nhấn mạnh "sẽ không có việc thành lập một Nhà nước Palestine nếu không có một thỏa thuận bảo đảm an ninh cho công dân Israel".

Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Israel và cũng là một trong những quốc gia bỏ phiếu chống nghị quyết trên, đã lên tiếng chỉ trích. Đại sứ Mỹ tại LHQ, Susan Rice cho rằng nghị quyết của LHQ nâng cấp quy chế cho Palestine là "không thích hợp và phản tác dụng, ngăn cản con đường đi tới hòa bình”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục cố gắng đưa Palestine và Israel trở lại bàn đàm phán.

Đức, một trong những nước bỏ phiếu trắng, vẫn khẳng định ủng hộ mục tiêu của Palestine được quốc tế công nhận là nhà nước, song nhấn mạnh chỉ có thể đạt được điều này qua thương lượng thực sự.

Nhật Bản bỏ phiếu ủng hộ, cho rằng "nghị quyết lịch sử này có nghĩa là trao cho Palestine trách nhiệm lớn hơn", đồng thời kêu gọi "không sử dụng nghị quyết để hành động theo hướng có thể gây tác động tiêu cực tới các cuộc đàm phán trực tiếp với Israel".

Với quy chế được nâng cấp, Palestine hiện có vị thế tại LHQ tương tự như Vatican và có thể tham gia những tổ chức như Tòa án Hình sự quốc tế, nơi họ có thể khiếu nại về lực lượng chiếm đóng Israel.

(Theo BBC, TTXVN)

Tin xem nhiều