Trung Quốc đã đưa tàu sân bay đầu tiên của mình vào hoạt động chính thức giữa lúc có tranh chấp hàng hải căng thẳng với Nhật. Theo giới quan sát, động thái "trình diễn" sức mạnh hải quân này có thể khiến các láng giềng lo lắng.
Trung Quốc đã đưa tàu sân bay đầu tiên của mình vào hoạt động chính thức giữa lúc có tranh chấp hàng hải căng thẳng với Nhật. Theo giới quan sát, động thái "trình diễn" sức mạnh hải quân này có thể khiến các láng giềng lo lắng.
Tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: Reuters |
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay, con tàu sân bay mới mang tên Liêu Ninh "sẽ tăng cường sức mạnh hoạt động tổng thể của hải quân Trung Quốc" và giúp Bắc Kinh "bảo vệ hiệu quả chủ quyền quốc gia, an ninh và các lợi ích phát triển".
[links(left)]Giới phân tích nhận định, Liêu Ninh là con tàu được nâng cấp từ tàu cũ mà Trung Quốc mua lại của Ukraine, sẽ có một vai trò giới hạn, hầu hết cho việc đào tạo và thử nghiệm trước khi Trung Quốc có khả năng trình làng tàu sân bay nội địa đầu tiên sau năm 2015.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc chính thức chuyển giao tàu Liêu Ninh cho lực lượng hải quân được xem là một bước nỗ lực trình diễn sức mạnh quốc gia - vào đúng thời điểm Trung Quốc căng thẳng với người hàng xóm Nhật Bản về chủ quyền một nhóm đảo tại biển Hoa Đông.
"Có tàu sân bay sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao khả năng tác chiến tổng thể của hải quân Trung Quốc lên tầm hiện đại", một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh. Con tàu sẽ "tăng cường khả năng phòng thủ, phát triển khả năng phối hợp hoạt động ở vùng biển xa trong khi đối phó với những mối đe dọa an ninh phi truyền thống".
Quan hệ Trung - Nhật trở nên tồi tệ trong tháng này sau khi Nhật mua lại một số đảo ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ chủ sở hữu tư nhân. Ở Trung Quốc đã dấy lên làn sóng biểu tình phản đối Nhật. Trong cuộc hội đàm diễn ra hôm thứ ba, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân đã lớn tiếng tuyên bố: "Trung Quốc không bao giờ dung thứ cho bất kỳ hành động đơn phương nào của Nhật làm tổn hại đến chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc".
Theo giới phân tích, nguy cơ đối đầu quân sự là không lớn, nhưng căng thẳng chính trị giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á có thể kéo dài. Với hải quân Trung Quốc, việc có tàu sân bay sẽ là ưu tiên trong nỗ lực xây dựng một lực lượng có thể triển khai ở vùng biển xa hơn.
Trung Quốc tháng này đã cảnh báo Mỹ với chiến lược "trục xoay" châu Á của Tổng thống Obama rằng, nước này không nên can dự vào các cuộc tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ như Philippines. Đáp trả lại, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thúc giục Trung Quốc và các láng giềng Đông Nam Á giải quyết tranh chấp mà "không đe dọa, không áp chế, không sử dụng vũ lực".
Giới quan sát nhận định, thời điểm chuyển giao tàu Liêu Ninh cho lực lượng hải quân trùng khớp với việc Trung Quốc nỗ lực xây dựng sự đoàn kết trước một kỳ đại hội đảng quan trọng - chứng kiến thế hệ lãnh đạo mới dẫn dắt đất nước.
Narushige Michishita, một chuyên gia an ninh tại Viện Nghiên cứu chính sách ở Tokyo cho rằng: "Trung Quốc đang có một bước đi khác để đẩy mạnh năng lực hải quân chiến lược. Nếu họ có một tàu sân bay sẵn sàng hoạt động, thì hiện chúng ta vẫn chưa quá lo lắng về những ảnh hưởng trực tiếp với cán cân quân sự giữa Nhật, Mỹ và Trung Quốc".
Căng thẳng ở Hoa Đông đã phức tạp hơn với sự xuất hiện của Đài Loan, vốn cũng là một bên đưa ra tuyên bố chủ quyền với Senkaku/Điếu Ngư. Tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật hôm 25/9 đã dùng vòi rồng để giải tán khoảng 40 tàu cá và 12 tàu hộ tống của Đài Loan.
Đài Loan lâu nay vẫn có quan hệ hữu nghị với Nhật song hai bên thường tranh chấp về quyền đánh bắt trong khu vực. Cả Trung Quốc và Đài Loan đều khẳng định được thừa hưởng chủ quyền lịch sử với quần đảo tranh chấp.
(Theo Reuters, BBC)