Ngày 22-9, tại thủ đô Damascus của Syria, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã hội đàm với ông Lakhdar Brahimi - Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập (AL) phụ trách về Syria, để thảo luận về tình hình tại quốc gia Trung Đông này.
* Phe đối lập ở Syria tổ chức "Hội nghị toàn quốc Giải cứu Syria"
* Thổ Nhĩ Kỳ triển khai vũ khí hạng nặng tới biên giới
Ngày 22-9, tại thủ đô Damascus của Syria, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã hội đàm với ông Lakhdar Brahimi - Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập (AL) phụ trách về Syria, để thảo luận về tình hình tại quốc gia Trung Đông này.
Ban Ki-moon đã hội đàm với ông Lakhdar Brahimi |
Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc hội đàm, LHQ cho biết Tổng Thư ký Ban Ki-moon và ông Brahimi đã tập trung thảo luận cách thức xử lý cái họ gọi là "mức độ bạo lực ngày càng kinh hoàng ở Syria", đồng thời xem xét thúc đẩy một giải pháp chính trị sâu rộng nhằm đáp ứng những nhu cầu chính đáng của người dân Syria.
Tuyên bố nêu rõ ông Ban Ki-moon và ông Brahimi nhất trí cho rằng cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ ở Syria cho thấy "mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với hòa bình và an ninh trong khu vực". LHQ cho hay hai ông cũng đã đề cập tới tầm quan trọng của sự hiện diện của các nhà lãnh đạo thế giới tại thể chế đa phương lớn nhất thế giới này trong những ngày tới, coi đây như một cơ hội để khuyến khích sự ủng hộ ngày càng tăng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria. Theo LHQ, tại cuộc hội đàm, hai ông bày tỏ hy vọng hội nghị cấp cao Đại hội đồng LHQ sắp tới sẽ giúp cải thiện tình hình nhân đạo ở quốc gia này.
Cuộc hội đàm diễn ra trong bối cảnh bạo lực tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với người dân Syria, trong khi các phe phái đối lập ở nước này vẫn không thể tìm được tiếng nói chung trong việc tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột. Tình hình được cho là càng nghiêm trọng hơn khi trước đó cùng ngày, Quân đội Syria Tự do (FSA) - lực lượng vũ trang đối lập có ảnh hưởng lớn nhất tại nước này, thông báo đã chuyển trung tâm chỉ huy của lực lượng này về trong nước sau hơn một năm hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo FSA, mục đích của việc di chuyển này là nhằm "chuẩn bị cho việc giải phóng Damascus trong tương lai gần", và trung tâm chỉ huy đã được chuyển về "khu vực tự do" đặt dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của các đơn vị vũ trang. Tuy nhiên, lực lượng này không cho biết địa điểm cụ thể.
* Trong một diễn biến liên quan, ngày 23-9, tại thủ đô Damascus, Cơ quan điều phối quốc gia (NCB) của lực lượng đối lập ở Syria đã tổ chức "Hội nghị toàn quốc Giải cứu Syria", một ngày sau khi 28 phe phái đối lập ở nước này đề nghị hoãn hội nghị do bất đồng quan điểm. Sự rạn nứt sâu sắc giữa các phe phái đối lập ở Syria được cho là sẽ tạo thêm những chướng ngại khiến hội nghị nói trên khó có thể đạt được những kết quả cụ thể.
* Trong khi đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22-9 đã triển khai nhiều xe bọc thép và vũ khí hạng nặng tới khu vực biên giới với Syria, gần cửa khẩu xảy ra giao tranh ác liệt giữa lực lượng chống đối và quân chính phủ Syria hồi đầu tuần này. Theo các nguồn tin tại chỗ, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã điều 3 xe bọc thép Howitzers và vũ khí phòng không tới khu vực xảy ra nhiều vụ bắn đạn lạc và pháo cối từ tỉnh al-Raqqa của Syria làm nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ bị thương.
(Theo Reuters, BBC)