Cơ quan nghiên cứu phôi thai và thụ thai ở người (HFEA) của Anh ngày 17/9/2012 đã trưng cầu ý kiến của người dân về việc tạo ra một thế hệ trẻ em có tới hai mẹ và một bố. Nếu đa số người dân ủng hộ, Anh có thể trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa kỹ thuật “ba bố mẹ”.
Cơ quan nghiên cứu phôi thai và thụ thai ở người (HFEA) của Anh ngày 17/9/2012 đã trưng cầu ý kiến của người dân về việc tạo ra một thế hệ trẻ em có tới hai mẹ và một bố. Nếu đa số người dân ủng hộ, Anh có thể trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa kỹ thuật “ba bố mẹ”.
Các nhà khoa học thuộc HFEA muốn chính phủ bật đèn xanh cho một phương pháp sinh sản vốn đang gây nhiều tranh cãi, phương pháp can thiệp vào gien của trứng nhằm tạo ra những em bé không nhiễm các bệnh nan y. HFEA cho rằng phương pháp “ba bố mẹ” là một phương pháp vượt trội cả về mặt khoa học và đạo lý.
Phương pháp “ba bố mẹ” là gì?
Từ trước đến nay, khoa học đã khiến cho quá trình sinh sản của con người ngày một khác với quy luật tự nhiên. Kể từ khi Louise Brown, đứa trẻ đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm năm 1978, thế giới đã chứng kiến rất nhiều em bé được sinh ra từ trứng và tinh trùng hiến tặng hoặc được thụ thai trong tử cung hiến tặng. Nhưng có một điều không thay đổi là, về mặt gien di truyền, đứa trẻ chỉ có hai bố mẹ mà thôi.
Ba bố mẹ có là quá nhiều với một đứa trẻ? Ảnh: Internet |
Khái niệm về một con có ba bố mẹ sinh học đã đưa y học lên một giai đoạn hoàn toàn mới, phức tạp hơn và gây tranh cãi hơn. Bởi vì điều này đánh dấu một thay đổi sâu sắc so với quan niệm trước đây, đặt ra vấn đề không chỉ là tính an toàn, đạo lý mà còn là quyền cha mẹ và nhân thân.
Hầu hết mọi vật liệu gien trong cơ thể chúng ta đều chứa trong nhân tế bào gồm 23 nhiễm sắc thể thừa hưởng từ mẹ và 23 nhiễm sắc thể thừa hưởng từ bố. Tuy nhiên, có một lượng nhỏ vật liệu gien trong cấu trúc tế bào, gọi là ty lạp thể (mitochondria) - vật liệu tạo ra năng lượng của tế bào.
Khác với các ADN khác, ty lạp thể chỉ được truyền từ mẹ sang con. Trong khi đó, có nhiều bệnh nan y lại xuất phát từ việc ty lạp thể của mẹ bị bệnh. Kết quả là vật liệu di truyền nhiễm bệnh này sẽ di truyền trực tiếp cho con. Một số bệnh liên quan đến ty lạp thể gồm loạn dưỡng cơ, mất điều hòa gây tổn thương thần kinh – hai bệnh khiến trẻ gặp vấn đề về phát âm và phối hợp. Mỗi năm có khoảng 6.500 trẻ em Anh khi sinh ra đã mắc những chứng bệnh ty lạp thể này.
Phương pháp “ba bố mẹ” được cân nhắc sử dụng nhằm ngăn những bệnh liên quan đến ty lạp thể, theo đó dùng ty lạp thể khỏe mạnh từ người hiến thay thế cho ty lạp thể nhiễm bệnh của người mẹ để tạo ra một phôi thai bình thường. Điều này có nghĩa là đứa trẻ sẽ có vật liệu di truyền của ba người, trong đó phần lớn vẫn là từ bố mẹ và chỉ có khoảng 1% của người hiến – người mẹ thứ hai.
Phương pháp này được ví như là thay pin của máy tính xách tay trong khi ổ cứng chứa toàn bộ dữ liệu quan trọng vẫn không thay đổi.
Một tác dụng đặc biệt của phương pháp là loại bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn các bệnh tật liên quan đến ty lạp thể nhiễm bệnh chỉ trong một thế hệ. Hầu như không có tiến bộ y học nào có khả năng làm được điều này.
Sau khi thăm dò dư luận trên trang web của HFEA (www.hfea.gov.uk) kết thúc ngày 7/12/2012, Bộ Y tế Anh sẽ căn cứ vào báo cáo tổng hợp của HFEA để quyết định cho phép hay ngăn cản kỹ thuật “ba bố mẹ”. Nếu dư luận Anh phản ứng tích cực với phương pháp “ba bố mẹ” mà các nhà khoa học của Đại học Newcastle là những người đi tiên phong, phương pháp này có thể trở thành luật trong năm 2013, cho phép Anh thử nghiệm trên người.
Phương pháp này hiện nay mới chỉ được phép sử dụng trong phòng thí nghiệm ở Anh và Mỹ.
Tranh cãi về “người mẹ ty lạp thể”
Những người phản đối cho rằng kỹ thuật tác động vào gien di truyền của con người là một nỗ lực vô đạo đức nhằm can thiệp vào quá trình sinh sản tự nhiên.
Nhiều người tỏ ra kinh hãi với kỹ thuật “ba bố mẹ” và khái niệm “người mẹ ty lạp thể”. Nhà thờ Thiên chúa phản đối kỹ thuật này cả về mặt đạo lý và tôn giáo. Họ cho rằng phương pháp ngăn cản quá trình sinh sản – kết quả của một cuộc hôn nhân và tệ hơn, phương pháp này sẽ tạo ra nhiều phôi thai không được phát triển thành hình hài.
Những người Hồi giáo dòng Sunni cũng phản đối. Họ chỉ chấp nhận kỹ thuật sinh sản có lựa chọn miễn là không có vai trò của một người thứ ba.
Phương pháp “ba bố mẹ” còn làm nảy sinh vấn đề nhân dạng. Bản thân những đứa trẻ sinh ra từ trứng và tinh trùng hiến tặng đã phải học cách làm quen với ý nghĩ rằng nhân dạng về mặt xã hội của mình không tương ứng với nhân dạng về gien. Khi có yếu tố người mẹ thứ hai thì câu hỏi “tôi là ai?” sẽ càng trở nên nhức nhối hơn với đứa trẻ. Ty lạp thể của đứa trẻ có thể không quan trọng như nhân tế bào nhưng chúng vẫn là một phần tạo thành bản thân đứa trẻ.
Dư luận còn đặt ra câu hỏi rằng, liệu người phụ nữ hiến ty lạp thể có quyền gì hay có trách nhiệm gì với đứa trẻ đó hay không?
Xét về tính an toàn, phương pháp “ba bố mẹ” là điều hoàn toàn mới mà loài người chưa trải qua. Các liệu pháp gien hiện nay chỉ có tác dụng với cá nhân bệnh nhân được chữa trị và không di truyền cho thế hệ sau. Trong khi đó, can thiệp vào gien như kỹ thuật “ba bố mẹ” sẽ được di truyền mãi.
Trong khi đó, người ủng hộ lại cho rằng đây chỉ đơn giản là biện pháp thực tế và có đạo đức nhằm chấm dứt bất hạnh của những cặp vợ chồng sinh ra những đứa con bệnh tật hoặc phải chia tay con vĩnh viễn khi con vừa chào đời.
Bà Marita Pohlschmidt thuộc Chiến dịch chống bệnh loạn dưỡng cơ nói: “Chúng tôi tin rằng kỹ thuật này có thể mở ra cơ hội làm mẹ cho nhiều người mà họ luôn lo sợ rằng mình sẽ truyền bệnh hiểm nghèo cho con cái”.
Phản lại các chỉ trích về yếu tố ngoại lai của người mẹ thứ hai, Giáo sư Mary Herbert, một nhà nghiên cứu tham gia dự án Welcom Trust, cho rằng không chỉ phương pháp “ba bố mẹ” mà ngay cả bản thân quá trình sinh sản theo cách tự nhiên cũng luôn luôn có yếu tố gien “ngoại lai”. Bà cho biết kỹ thuật “ba bố mẹ” đã được sử dụng với chuột từ năm 1983 và sau nhiều thế hệ, không có vấn đề gì nảy sinh cả.
Nhiều người lo sợ phương pháp này sẽ giúp các ông bố bà mẹ chọn cho con cái những đặc điểm ưu việt về hình thức và trí tuệ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết kỹ thuật này không sản sinh ra các “em bé theo đơn đặt hàng” kiểu như vậy, nó chỉ đơn thuần thay thế ty lạp thể nhiễm bệnh chứ không tăng cường các gien chủ chốt.
Dù chưa có điều gì xảy ra khi thử nghiệm với động vật, nhưng chúng ta không thể chắc chắn điều đó với con người cho đến khi những đứa trẻ đầu tiên có ba bố mẹ chào đời. Giáo sư Herbert nhận định: “Đó là vấn đề cân bằng rủi ro. Luôn có điều chúng ta chưa biết, chưa lường trước được trong bất kỳ phương pháp mới nào. Nhưng chúng ta cũng không có bằng chứng rằng phương pháp này sẽ dẫn tới thảm họa”.
Theo TTXVN