Báo Đồng Nai điện tử
En

Những kịch bản nào cho căng thẳng Nhật-Trung?

02:09, 24/09/2012

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã xuống tới mức thấp nhất trong suốt nhiều thập kỷ qua. Quyết định của Tokyo để mua ba trong số năm hòn đảo (đang do tư nhân sở hữu) ở quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đã dấy lên tranh cãi kịch liệt với Bắc Kinh.

Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã xuống tới mức thấp nhất trong suốt nhiều thập kỷ qua. Quyết định của Tokyo để mua ba trong số năm hòn đảo (đang do tư nhân sở hữu) ở quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đã dấy lên tranh cãi kịch liệt với Bắc Kinh.

Nhưng hai quốc gia này sẽ không tiến hành một cuộc chiến vì các đảo này như một số người phấp phỏng dự đoán, bởi vì cái giá phải trả cho cả đôi bên là quá lớn.
Tàu cá Trung Quốc ồ ạt tiến vào khu vực biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông hôm 17/9. Ảnh: CSMonitor
Nhưng những sự kiện này lại minh họa rõ nét việc các mối quan hệ đang định hình như thế nào tại châu Á, và các xu hướng này sẽ ngày càng được củng cố hơn theo thời gian.

[links(left)]Các tuyên bố chủ quyền trở nên thường xuyên hơn trong hoạt động chính trị của khu vực. Thậm chí, việc lọc ra danh sách các quốc gia không tuyên bố chủ quyền còn nhanh hơn cả việc liệt kê các quốc gia tranh chấp.

Hầu hết mọi cuộc tranh cãi về cốt lõi đều là vì: dầu, khí đốt, đất hiếm, các tuyến đường thủy, ngư trường... Nhưng nếu như đó chỉ là về các tài nguyên thì các bên đã có thể giải quyết được vụ việc bất kể mọi căng thẳng và bất đồng. Cái khó là không thể phân chia các nguồn tài nguyên theo cách mà cả hai bên đều cho là công bằng. Có thể việc đạt tới một thỏa thuận nào đó, thực thi một diễn biến nào đó có lợi sẽ tốt hơn là cứ 'chôn chân tại chỗ'.

Đặt các lợi ích về mặt vật chất sang một bên, các vấn đề này luôn có một tầm quan trọng khác không thể nói ra, đó chính là danh dự. Đây là điều khó khăn hơn rất nhiều nếu như không nói là không thể giải quyết được.

Tại sao Nhật lại quyết định quốc hữu hóa các đảo? Gần như là vì Tokyo cảm thấy rằng trào lưu trong khu vực đang nhanh chóng xoay theo hướng chống lại họ. Nga đã quả quyết khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Kuril như là một cách để nhấn mạnh vào các quyền rộng lớn hơn và các dự định của Moscow tại châu Á.

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng có các động thái tương tự, với việc Tổng thống Lee Myung-bak đến thăm quần đảo tranh cãi Dokdo/Takeshima. Kể từ năm ngoái, Trung Quốc đã tuyên bố đặc quyền của họ đối với các vùng biển liền kề, khiến các quốc gia láng giềng và cả Mỹ đau đầu. Bất chấp việc nói điều chỉnh trọng tâm chiến lượng sang hướng Á, Mỹ vẫn bị kẹt tại Trung Đông, thậm chí còn phân tán lực lượng nhiều hơn so với trước.

Trong bối cảnh đó, Tokyo rõ ràng thấy rằng tình hình sẽ chỉ nên xấu hơn trừ khi họ phải có hành động giải quyết. Việc quốc hữu hóa các đảo chỉ là một hành động mang tính biểu tượng trong một cuộc tranh cãi về chủ quyền ngày càng lan rộng. Nhưng 'đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn' lại có vai trò then chốt trong bối cảnh xảy ra hàng loạt hành động mang tính biểu tượng.

Bên cạnh yếu tố mang tính tượng trưng, hành động của Nhật còn có động cơ thực tế. Sau khi hội đàm với người đồng nhiệm Mỹ Leon Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật nói rằng ông Panetta đảm bảo tranh cãi biển đảo này nằm trong hiệp ước an ninh tập thể ký kết giữa Mỹ và Nhật. Nói cách khác, Mỹ sẽ bảo vệ các đồng minh của mình trong mọi tình huống. Ông Panetta không hề đưa ra bất kỳ bình luận công khai nào về việc này, nhưng rõ ràng là Washington không có nhiều lựa chọn.

Mỹ lo ngại vì ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới ngày càng tăng - nhưng lo ngại này càng rõ rệt hơn khi nhìn về Thái Bình Dương. Một phần là vì sự do dự của các đối tác và đồng minh của Mỹ. Không ai có ý định đương đầu với Trung Quốc, và sẽ chỉ có hai cách để tránh kịch bản này. Một là phải có người bảo trợ có sức mạnh tương đương hoặc lớn hơn Trung Quốc, hoặc là phải bắt quan hệ tốt với Bắc Kinh.

Cách đầu tiên chỉ khả thi khi có đủ niềm tin rằng Washington sẵn lòng đối đầu với Trung Quốc khi cần thiết. Nhưng nếu Mỹ không sẵn sàng, và có vẻ thoái thác thì sự do dự trước đó của các nước láng giềng với Trung Quốc sẽ càng gia tăng. Điều này thậm chí có thể gây hủy hoại tới toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Do vậy, trong một chừng mực nào đó, Nhật vẫn có lợi khi tạo ra một tình thế mà trong đó, Mỹ có nguy cơ mất lòng tin của các đồng minh nếu như không thể hậu thuẫn được Tokyo.

Tình hình xấu đi cho Washington cũng là điều có thể hiểu được. Từ lâu, các nhà phân tích đã tin rằng việc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể tránh được, xét cả khía cạnh chính trị - quân sự.

Biết rằng mình vẫn đuối hơn về mặt thực lực quân sự, Bắc Kinh trong nhiều năm đã cố gắng tránh các tranh cãi có thể gây bùng phát các xung đột như vậy. Cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh nên xây đắp sức mạnh kinh tế, trong khi cố gắng tránh vướng vào tranh cãi chính trị. Những năm gần đây, Bắc Kinh lại khó lòng thoát ra khỏi các vướng mắc này.

Họ không dám thể hiện sự khiêu khích thái quá, cho dù các căng thẳng trong khu vực đang khiến Bắc Kinh 'nổi quạu' nhiều hơn. Điều này lại có lợi cho Washington. Nếu Bắc Kinh định 'thử' Washington, họ sẽ có nguy cơ rơi vào bên thua thiệt hơn, mà điều này sẽ chỉ khiến Trung Quốc nhụt chí hơn trong cuộc so găng chính trị với Mỹ về lâu dài. Nói cách khác, Washington thực tế sẽ đảm bảo phần thắng trong một cuộc xung đột mang tính giả định này, cho dù chẳng ai nói trước được điều gì sẽ xảy ra trong vòng 15-20 năm tới.

Đây là điều mà dường như Bắc Kinh cũng hiểu. Đó là lý do tại sao các tàu chiến của họ tiếp cận khu vực biển đảo tranh chấp - nhưng không tiến sâu hơn. Các cuộc thâm nhập sâu hơn chỉ do các tàu cá không vũ khí tiến hành, và chỉ là tàu dân sự. Con số tàu cá lên đến hàng trăm, và tạo ra cho Bắc Kinh một bầu không khí sôi sục, nhưng cũng khó có thể chính thức chê trách họ được. Bất kỳ hành động nào của Nhật tấn công vào nhóm tàu này đều bị coi là một hành động hung hãn.

Xung đột gần đây nhất quanh các đảo đang quốc hữu hóa này gần như sẽ dịu dần. Trung Quốc và Nhật Bản sẽ có thời gian tạm lắng cho tới đợt leo thang sắp tới. Dần dà, chẳng bên nào muốn hy sinh các quan hệ kinh tế rộng lớn giữa đôi bên.

Nhưng xung đột chính trị thì vẫn không xóa bỏ được. Nó vẫn đeo đẳng bên lề, và lại leo thang theo từng đợt.

(Theo RIA)

 

Tin xem nhiều