Thông cáo báo chí của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vừa công bố, trong đó kêu gọi châu Á cắt giảm các rào cản thương mại đối với lúa gạo và bình ổn giá để giảm thiểu nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu như đã từng xảy ra hồi năm 2008.
Thông cáo báo chí của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vừa công bố, trong đó kêu gọi châu Á cắt giảm các rào cản thương mại đối với lúa gạo và bình ổn giá để giảm thiểu nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu như đã từng xảy ra hồi năm 2008.
Chuyên gia nông nghiệp và an ninh lương thực của ADB, Lourdes Adriano cho rằng giá lương thực tăng tới 149% trong cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 chủ yếu là do sự hạn chế xuất khẩu của các nước sản xuất. Do vậy, để tăng cường khả năng phục hồi và đảm bảo giá gạo không tăng quá cao, các nhà hoạch định chính sách cần phải cắt giảm các rào cản thương mại gạo và bình ổn giá.
Bà Lourdes Adriano nhấn mạnh thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực do tăng trưởng sản xuất chậm lại trong khi nhu cầu tăng cao, thời tiết xấu, cạnh tranh từ các nhiên liệu sinh học, tích trữ gia tăng và xuất khẩu hạn chế.
Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) trong báo cáo nghiên cứu công bố đầu tháng 8 vừa rồi đã cắt giảm dự báo sản lượng gạo toàn cầu năm 2012, từ 732,3 triệu tấn trong dự báo trước đó xuống 724,5 triệu tấn do mưa ít ở Nam Á -một trong những khu vực sản xuất lúa gạo lớn của thế giới.
ADB đánh giá Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có một vai trò quan trọng hàng đầu trong việc đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực cho khu vực châu Á đông dân nhất thế giới. ASEAN đã đạt sản lượng 110,5 triệu tấn gạo năm 2011 và có thể duy trì sản lượng này bằng cách thiết lập một chỉ số giá và tăng cường trao đổi thương mại lúa gạo, động thái giúp giảm thiểu biến động giá cả toàn cầu khi cho phép nông dân bớt phải qua khâu trung gian, có thể bán trực tiếp ra thị trường với mức giá tốt hơn.
ASEAN có hai nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Thái Lan, Việt Nam và các nhà cung cấp tiềm năng như Lào, Campuchia và Myanmar, song cũng bao gồm hai nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới là Indonesia, Philippines và các nhà tiêu thụ gạo như Brunei, Singapore và Malaysia./.