Báo Đồng Nai điện tử
En

Xác định bệnh lạ giống bệnh AIDS ở Châu Á

11:08, 24/08/2012

 Các nhà nghiên cứu tại Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đã xác định được căn bệnh mới tại châu Á gây ra triệu chứng suy giảm miễn dịch như bệnh AIDS nhưng không liên quan đến HIV, theo Hãng tin CNN ngày 24-8.

 Các nhà nghiên cứu tại Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đã xác định được căn bệnh mới tại châu Á gây ra triệu chứng suy giảm miễn dịch như bệnh AIDS nhưng không liên quan đến HIV, theo Hãng tin CNN ngày 24-8.

Những hình ảnh trên là các căn bệnh dễ mắc phải đối với người mắc bệnh lạ có kháng thể chống interferon-gamma trong cơ thể - Ảnh: CNN

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine. Trong cơ thể các bệnh nhân mắc phải bệnh này có kháng thể tấn công hệ thống miễn dịch của họ.

Tiến sĩ Sarah Browne, thuộc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm (NIAID) của NIH và là tác giả chính của nghiên cứu, nói: "Một số lượng lớn bệnh nhân mà chúng tôi bắt đầu nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng được phát hiện có kháng thể ngăn chặn chức năng của chất cơ bản interferon-gamma".

Theo tiến sĩ Browne, nếu chất interferon-gamma bị vô hiệu thì con người sẽ dễ bị lây nhiễm trước một số loại bệnh nhiễm trùng nhất định.

Căn bệnh này đang được các nhà khoa học tạm gọi là hội chứng suy giảm miễn dịch tại người lớn, vì người bệnh đều trưởng thành. Căn bệnh phát triển từ năm 2004, phần lớn bệnh nhân là người Thái Lan và Đài Loan. NIH đã nghiên cứu căn bệnh từ năm 2005.

Quy mô mẫu trong cuộc nghiên cứu là hơn 200 người - chủ yếu tại Thái Lan và Đài Loan trong độ tuổi từ 18-70. Tất cả họ đều cho kết quả xét nghiệm HIV âm tính. Trong giai đoạn đầu của cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học tại NIH đã tiếp xúc và điều trị cho bà Kim Nguyen, 62 tuổi, người gốc Việt và đang sinh sống tại bang Tennessee.

"Căn bệnh này rất hiếm và phổ biến hơn ở Đông Nam Á - tiến sĩ Browne nói với CNN - Tuy nhiên chúng tôi cũng đang chẩn đoán cho một số người Mỹ gốc Á mắc căn bệnh này".

Cho đến nay NIH đã ghi nhận 12 trường hợp mắc bệnh ở Mỹ, tất cả bệnh nhân đều là người gốc Á. Tiến sĩ Browne cho biết hầu hết bệnh nhân đều sống sót. Ở nước khác đã xảy ra tử vong, nhưng tiến sĩ Browne không nắm rõ số lượng.

Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc NIAID, nói điều quan trọng cần lưu ý là căn bệnh hiếm này không lây nhiễm. “Đây không phải là một loại virus mới. Căn bệnh được chú ý và phát hiện ở châu Á khi người bệnh bị nhiễm trùng cơ hội tương tự như HIV/AIDS, nhưng nguyên nhân gây bệnh không phải do lây nhiễm như HIV”.

Hiện tại các bác sĩ chỉ đang điều trị các bệnh nhiễm trùng cho người mắc phải bệnh lạ. Trong một số trường hợp, nhóm nghiên cứu cố gắng tìm cách hạ thấp mức độ kháng thể và đảo ngược sự suy giảm miễn dịch.

Cả tiến sĩ Fauci và Browne cho rằng một sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường nhiều khả năng là nguyên nhân gây ra bệnh lạ, mặc dù vẫn chưa biết cụ thể về các yếu tố này. "Nhìn chung nó giống một bệnh mạn tính, nhưng chúng tôi chưa nghiên cứu nó đủ lâu để đưa ra chẩn đoán bệnh lâu dài được" - tiến sĩ Browne nói.

(Theo CNN)

Tin xem nhiều