Trong tháng Bảy vừa qua, giá lương thực toàn cầu đã tăng 10%, đe dọa an ninh lương thực của hàng triệu người nghèo khó trên thế giới, đặc biệt tại các nước khu vực Sừng châu Phi và Trung Đông. Đây là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo "Giám sát giá lương thực" công bố ngày 30-8.
Trong tháng Bảy vừa qua, giá lương thực toàn cầu đã tăng 10%, đe dọa an ninh lương thực của hàng triệu người nghèo khó trên thế giới, đặc biệt tại các nước khu vực Sừng châu Phi và Trung Đông. Đây là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo "Giám sát giá lương thực" công bố ngày 30-8.
Giá lương thực toàn cầu tăng cao do giá dầu leo thang. |
Theo báo cáo trên, từ tháng 6 đến tháng 7-2012, giá bắp và lúa mì đã tăng 25% và giá đậu nành tăng 17% - mức tăng kỷ lục kể từ thời điểm khủng hoảng lương thực thế giới trầm trọng nhất hồi tháng 6/2008, trong khi giá gạo giảm 4%. Cụ thể, trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago, giá đậu nành giao hàng trong các tháng tới là 17,78 USD/bushel (1 bushel tương đương 25,4 kg), trong khi giá bắp cũng duy trì ở mức kỷ lục 8,49 USD/bushel hồi đầu tháng. Như vậy, các chỉ số giá lương thực của WB vẫn cao hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 1% so với thời kỳ khủng hoảng đỉnh điểm tháng 2-2011.
Các chuyên gia cho biết có nhiều nguyên nhân khiến giá cả lương thực biến động mạnh, trong đó chủ yếu do sản lượng ngũ cốc giảm bởi tình trạng hạn hán và nắng nóng kéo dài ở Mỹ và Đông Âu, cũng như do giá nhiên liệu leo thang. Ngoài ra, việc Mỹ - một trong những vựa bắp lớn nhất thế giới, tăng lượng bắp sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học, cũng góp phần đẩy giá mặt hàng này lên cao. Lượng bắp Mỹ dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học chiếm tới 40% tổng sản lượng bắp của nước này.
(Theo AP, BBC)