Các nhà khoa học và các tổ chức môi trường quốc tế cảnh báo "kỷ nguyên vàng" của khí đốt tự nhiên sẽ đe dọa tương lai của Trái Đất và sẽ là hiểm hoạ khó tránh khỏi của nhân loại.
Khí đốt tự nhiên đe dọa tương lai của Trái Đất? Ảnh Internet. |
Nghiên cứu mới nhất của của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng trong bối cảnh nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng nhanh như hiện nay, thế giới sẽ bước vào "kỷ nguyên vàng" của khí đốt tự nhiên nhờ việc mở rộng khai thác nguồn nhiên liệu này trên toàn cầu.
Các công nghệ mới được sử dụng trong những năm gần đây đã giúp khai thác được khí đốt tự nhiên chứa trong các tầng địa chất hoặc các dạng vật chất khác nhau, dẫn đến tình trạng dư thừa khí đốt lớn trên toàn cầu. Cụ thể, lượng khí đốt khai thác từ đá phiến ở Mỹ đã tăng gấp 12 lần kể từ năm 2000. Trong khi đó, IEA dự báo lượng khí đốt tự nhiên được sử dụng trên thế giới sẽ tăng hơn 50% vào năm 2035.
Tuy nhiên, IEA cảnh báo việc tăng sử dụng khí đốt tự nhiên như vậy có thể làm tăng nhiệt độ của Trái Đất lên hơn 3,5 độ C, vượt xa mức 2 độ C mà LHQ xác định có thể chấp nhận được để duy trì hệ sinh thái hỗ trợ sự sống. Bên cạnh đó, công nghệ khai thác mới hiệu quả hơn bằng cách bơm lượng nước và hóa chất khổng lồ vào lòng đất sẽ gây ô nhiễm và đầu độc các nguồn nước ngầm - một trong những nguồn nước sạch phục vụ cuộc sống con người. Khai thác khí đốt từ đá phiến ít nhiều gây hiểm họa cho môi trường; quá trình đốt và xử lý đá cũng góp phần làm nhiệt độ của hành tinh nóng lên.
LHQ cũng quan ngại rằng việc khoan và khai thác khí đốt từ đá phiến cũng như các dạng chứa khí đốt không thông thường khác sẽ đặt Trái Đất vào thảm họa biến đổi khí hậu, trong khi các nước có thể tăng sử dụng các nguồn năng lượng sạch như năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời. Biến đổi khí hậu đã đẩy hàng triệu người vào đói nghèo, phá hoại sự sống hoang dã và gây thiệt hại cho các nền kinh tế thế giới hàng trăm tỷ USD. Do đó, LHQ khuyến cáo gia tăng sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch như khí đốt sẽ làm tình trạng này càng thêm trầm trọng.
Các tổ chức môi trường quốc tế như Tổ chức Những người bạn của Trái Đất, Tổ chức Hoà bình Xanh, Viện Theo dõi thế giới ở thủ đô Oasinhtơn của Mỹ đã bác bỏ các lý giải của các cơ quan khai thác khí đốt quốc tế cho rằng những tiến bộ khoa học mới sẽ giúp làm giảm tác động của việc tăng cường khai thác và sử dụng khí đốt tự nhiên đến môi trường.
Giám đốc Chương trình môi trường và khí hậu thuộc Viện Theo dõi thế giới, Alexander Ochs, nhấn mạnh nghiên cứu của IEA đã đánh giá thấp tiềm năng sử dụng năng lượng tái sinh khi dự báo rằng các công nghệ xanh chỉ đáp ứng được 5% tổng nhu cầu năng lượng toàn cầu trong vòng 25 năm tới. Ông khẳng định trái với dự báo của IEA về kinh tế và về công nghệ, hơn 50% sản lượng điện thế giới có thể được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái sinh ngay từ năm 2030. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng trong "kỷ nguyên vàng" của khí đốt, giá rẻ của nguồn năng lượng này sẽ là trở ngại lớn cho việc phát triển các nguồn năng lượng tái sinh trên toàn cầu.
Theo TTXVN