Hải quân Philippines hôm qua giới thiệu một loại tàu tấn công đa dụng (Mpac) mới do chính quốc đảo Đông Nam Á tự chế tạo, trong dự án hiện đại hóa hệ thống phòng vệ lãnh thổ kéo dài 5 năm.
Hải quân Philippines hôm qua giới thiệu một loại tàu tấn công đa dụng (Mpac) mới do chính quốc đảo Đông Nam Á tự chế tạo, trong dự án hiện đại hóa hệ thống phòng vệ lãnh thổ kéo dài 5 năm.
Mpac được thiết kế phục vụ việc triển khai binh sĩ nhanh chóng trong các chiến dịch đặc biệt, báo Business Mirror của Philippines cho hay. Tàu này được trang bị các súng máy M-60 và có thể mang theo tối đa 21 lính được vũ trang đầy đủ.
Lớp vỏ của Mpac được làm bằng nhôm hàn kín. Chiếc tàu tấn công phản lực mớn nước nhẹ này có thể hoạt động tại các vùng nước nông, đồng thời có thể tiến hành những cuộc điều động và vây ráp bất ngờ. Nó cũng có thể hỗ trợ việc đổ quân lên những bờ biển ở các điều kiện khác nhau. Vận tốc tối đa mà Mpac đạt được là 35 hải lý/giờ. Nó có thể được triển khai tại bất cứ nơi đâu ở Philippines.
Cùng ra mắt với Mpac là hai chiếc tàu chống thảm họa đa dụng (MPDR). Hai tàu này là dạng tàu đổ bộ có thể hoạt động cả trên bộ và dưới nước, với sức chứa tối đa là 20 người.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Voltaire Gazmin hôm qua cũng một lần nữa cam đoan rằng quân đội nước này cam kết đẩy nhanh việc mua mới các khí tài hiện đại. Đây là một phần trong dự án hiện đại hóa hệ thống phòng vệ lãnh thổ kéo dài 5 năm của quốc đảo Đông Nam Á. Có tới 138 hợp đồng khác nhau nằm trong dự án này.
Ông Gazmin cho biết hạn chót để Philippines phê chuẩn tất cả các hợp đồng này là 31/7. "Các hợp đồng này chắc chắn sẽ mang lại cho hải quân những chiếc tàu mới và sẵn sàng hoạt động trên biển, cũng như những khí tài bay, để sử dụng cho các hoạt động trên không, trên bộ và bên dưới mặt đất", Gazmin nói trong lễ kỷ niệm 114 năm thành lập hải quân Philippines ở trụ sở binh chủng này tại thủ đô Manila.
Trong khi đó, Tư lệnh hải quân Philippines, phó Đô đốc Alexander Pama cho rằng việc đặt mua một số tàu khu trực, 5 trực thăng hải quân, tiếp tục mở rộng hệ thống theo dõi bờ biển và các dự án nâng cấp năng lực khác vẫn đang tiến triển. Ông Pama cho hay 58/138 hợp đồng kể trên đã được phê chuẩn.
Chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino đang làm việc với ngân sách lên tới 70 tỷ Peso (khoảng 1,6 tỷ USD) để hiện đại hóa quân đội. Philippines nhắm tới các khí tài không quân và hải quân từ nhiều quốc gia khác, sau khi Tổng thống Aquino gạt bỏ ý tưởng mua các chiến đấu cơ F-16 cũ từ Mỹ.
Philippines hôm nay sẽ tiếp nhận chiếc tàu tuần tra lớp Hamilton thứ hai tại Mỹ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Gazmin cho biết chiếc tàu này cũng bị loại bỏ hầu hết các vũ khí giống như soái hạm BRP Gregorio del Pilar, một tàu tuần tra khác cũng được Washington chuyển giao cho Manila hồi năm ngoái.
Nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Philippines diễn ra trong bối cảnh nước này có căng thẳng tranh chấp chủ quyền bãi đá Scarborough/Hoàng Nham với Trung Quốc từ đầu tháng 4. Đây là bãi đá không có người sinh sống cách đảo lớn Luzon của Philippines khoảng 230 km về phía tây. Cả Manila và Bắc Kinh cùng tuyên bố chủ quyền với bãi đá này, đồng thời không có dấu hiệu nhượng bộ.
Theo VnExpress