Báo Đồng Nai điện tử
En

Tổng thống Nga: Sứ mệnh của đặc phái viên Kofi Annan là cơ hội cuối cùng cho Syria

10:03, 26/03/2012

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 25-3 đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sứ mệnh của Đặc phái viên Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) - ông Kofi Annan, đồng thời nhấn mạnh rằng sứ mệnh của ông Annan có thể là "cơ hội cuối cùng" để Syria ngăn ngừa một cuộc nội chiến đẫm máu hơn.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 25-3 đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sứ mệnh của Đặc phái viên Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) - ông Kofi Annan, đồng thời nhấn mạnh rằng sứ mệnh của ông Annan có thể là "cơ hội cuối cùng" để Syria ngăn ngừa một cuộc nội chiến đẫm máu hơn.

Tổng thống Nga bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch của ông Annan
Tổng thống Nga bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch của ông Annan

Phát biểu trong cuộc gặp đặc phái viên Annan tại Sân bay Vnukovo-2 trước khi lên đường tới Hàn Quốc dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân, Tổng thống Nga Métvêđép nhấn mạnh: "Đây có thể là cơ hội cuối cùng cho Syria để tránh một cuộc nội chiến đẫm máu và qui mô lớn hơn. Chúng tôi sẽ ủng hộ hết mình ở mọi cấp độ... Chúng tôi rất hy vọng nỗ lực này sẽ đem đến kết quả tích cực".

Về phần mình, ông Annan nói: "Hiện nay, Syria có cơ hội để hợp tác và hòa giải nhằm chấm dứt xung đột và giao tranh, cho phép triển khai các hoạt động viện trợ nhân đạo cũng như bắt đầu tiến trình chính trị, hướng tới một giải pháp hòa bình." Đồng thời, ông Annan cũng bày tỏ hy vọng Nga tiếp tục đóng một vai trò tích cực trong việc bảo đảm các bên tại Syria tuân thủ sáng kiến hòa bình được Hội đồng Bảo an LHQ ủng hộ.

Sáng kiến hòa bình của HĐBA yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad rút các lực lượng chính phủ khỏi các thành phố điểm nóng về biểu tình, đồng thời cho phép tiến hành các hoạt động viện trợ nhân đạo cho hàng ngàn người dân đang bị mắc kẹt ở những thành phố này. Sáng kiến kêu gọi chuyển giao dần cho một chính phủ có tính đại diện lớn hơn, song vai trò của ông Assad trong đó lại chưa được làm rõ. Đối với phe đối lập, sáng kiến không đưa ra những đòi hỏi rõ ràng.

Sau cuộc gặp đặc phái viên Annan, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cho biết sứ mệnh của ông Annan cần được kéo dài thêm thời gian trước khi HĐBA LHQ xem xét khả năng hành động tiếp theo.

Ngày 26-3, ông Annan đến Trung Quốc, tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của nước thành viên thường trực HĐBA LHQ này. Trước đó, Bắc Kinh cũng đã sớm bày tỏ sự ủng hộ đối với sứ mệnh của ông Annan.

Nga và Trung Quốc từng hai lần dùng quyền phủ quyết của mình để bác bỏ các dự thảo nghị quyết do phương Tây soạn thảo mà theo Moscow và Bắc Kinh, các dự thảo đó phiến diện, chỉ lên án chính quyền Damascus mà không chỉ trích bạo lực từ phe đối lập.

Trong khi đó, sức ép đối với chính quyền của Tổng thống Al-Assad tiếp tục gia tăng khi ngày 25-3, trong cuộc hội đàm tại Seoul trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Racep Tayyip Erdogan đã nhất trí về sự cần thiết của việc cấp viện trợ "phi sát thương" cho quân nổi dậy ở Syria, trong đó có trang thiết bị thông tin liên lạc.

(Theo Reuters, RIA Novosti)


 

Tin xem nhiều