Tháng 11-2011, tiến sĩ Phan Lê Hà, giảng viên khoa giáo dục Trường đại học Monash (Úc), được phong hàm giáo sư tại Đại học Reading (Vương quốc Anh).
Tháng 11-2011, tiến sĩ Phan Lê Hà, giảng viên khoa giáo dục Trường đại học Monash (Úc), được phong hàm giáo sư tại Đại học Reading (Vương quốc Anh).
Đây là kết quả của quá trình xem xét nghiêm túc và đầy trách nhiệm của một hội đồng gồm nhiều giáo sư tại trường Reading, nơi tiến sĩ Hà sẽ gắn bó phần lớn thời gian trong những năm tới, song song với công việc tại ĐH Monash.
Tiến sĩ Phan Lê Hà (ảnh: Bayvut.com.au) |
Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2005 tại ĐH Monash, tiến sĩ Phan Lê Hà đã và đang hướng dẫn thành công cho nhiều nghiên cứu sinh đến từ nhiều nước. Ngoài tiếp nhận vị trí mới tại Đại học Reading, cùng với công việc chính là tham gia giảng dạy với các đồng nghiệp tại khoa giáo dục, chị còn có kế hoạch hỗ trợ các hoạt động quốc tế hóa giáo dục với các quốc gia châu Á, đặc biệt là Việt Nam.
Ngoài các công trình khoa học cùng nhiều giải thưởng quốc tế, một hoạt động gây tiếng vang lớn của chị chính là việc hiện thực hóa ý tưởng “Kết nối với Việt Nam - một cuộc đối thoại liên ngành” mà chị đã theo đuổi và phát triển những năm qua. Mục đích chính là tạo ra một sân chơi học thuật liên quan đến Việt Nam cho giới khoa học và các nhà làm chính sách từ nhiều nơi cùng tham gia và chia sẻ những công trình nghiên cứu từ nhiều góc độ.
Diễn đàn này còn có mục đích tạo ra một môi trường khoa học năng động cho giới khoa học trong nước cùng tham gia và phát triển, thông qua việc tổ chức các hội thảo quốc tế thường niên tại các địa điểm trong và ngoài Việt Nam.
Tiến sĩ Hà mong muốn giới khoa học quốc tế có cách nhìn đa dạng hơn, và tiếp cận Việt Nam theo những cách khác nhau, không bị lệ thuộc hoặc bó hẹp trong những môtíp cũ để hiểu hơn về những biến chuyển đa dạng của một đất nước Á Đông ở mọi mặt.
Nói về bản thân, chị Lê Hà nhìn nhận vai trò của mình là người góp phần đào tạo một thế hệ học giả tương lai, những người biết phát huy khả năng, làm giàu trí tuệ và tri thức bản thân, biết lắng nghe một cách cởi mở và có đầu óc phê phán và tư duy khoa học cầu tiến.
Chị cho biết một trong những mối quan tâm hàng đầu của chị trong giáo dục chính là xây dựng nền tảng tri thức, lý luận cho các nhà chuyên môn và nhà giáo, đặc biệt là những người sau này sẽ có tiếng nói nhất định trong giới khoa học.