Báo Đồng Nai điện tử
En

Dân Pháp phản đối đoàn tàu rác hạt nhân

11:11, 25/11/2011

Đoàn tàu chở rác thải hạt nhân cuối cùng đã khởi hành ngày 24-11 ở thị trấn Valognes, vùng Normandy, để vượt qua 1.500km đến Đức, bất chấp những cuộc đụng độ dữ dội giữa cảnh sát và những người phản đối năng lượng hạt nhân đang tìm cách ngăn chặn đoàn tàu.

Đoàn tàu chở rác thải hạt nhân cuối cùng đã khởi hành ngày 24-11 ở thị trấn Valognes, vùng Normandy, để vượt qua 1.500km đến Đức, bất chấp những cuộc đụng độ dữ dội giữa cảnh sát và những người phản đối năng lượng hạt nhân đang tìm cách ngăn chặn đoàn tàu.

Đoàn tàu chở rác thải hạt nhân trên đường sang Đức - Ảnh: Reuters
Đoàn tàu chở rác thải hạt nhân trên đường sang Đức - Ảnh: Reuters

Theo Euronews, khoảng 300 người biểu tình đã tấn công cảnh sát bằng gạch đá và bom xăng. Một số xe cảnh sát bị thiêu rụi. Lực lượng an ninh phản ứng lại bằng lựu đạn cay. Người biểu tình thậm chí còn đem đất đá đổ lên đường ray nhằm ngăn chặn đoàn tàu chở 14 tấn chất thải hạt nhân rời nhà ga Valognes.
Tuy nhiên, cuối cùng đoàn tàu cũng rời ga và dự kiến sẽ đến nhà kho hạt nhân ở Gorleben thuộc miền bắc nước Đức, cách đó 1.500km, sau 48 giờ.
Valognes là nhà ga tàu lửa gần nhà máy xử lý rác thải hạt nhân ở La Hague thuộc vùng Normandy. Tại đây, Tập đoàn công nghiệp Pháp Areva xử lý rác thải hạt nhân cho các nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới. Sau đó, Areva sẽ chuyển số rác hạt nhân đã qua xử lý về nhà kho của các nhà máy khách hàng.
Người biểu tình Pháp cho rằng tai nạn ở Nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi tại Nhật là bằng chứng cho thấy nước Pháp cần từ bỏ năng lượng hạt nhân.
Hơn 3.000 cảnh sát đã được huy động để bảo vệ an ninh cho đoàn tàu trên phần đất của Pháp. Theo AFP, tại Đức hàng ngàn người biểu tình cũng đang chờ đoàn tàu. Tổ chức Hòa Bình Xanh cảnh báo lượng rác thải hạt nhân này sẽ làm tăng lượng phóng xạ tại nhà kho ở Gorleben vượt mức giới hạn cho phép.
Mới đây, Bộ trưởng môi trường Đức Norbert Roettgen đã tuyên bố người biểu tình Đức “có quyền biểu tình nhưng không có quyền gây bạo lực”. Hiện cảnh sát Đức đã chuẩn bị lực lượng để đón đoàn tàu.
Từ năm 1977-2008, Tập đoàn Areva đã xử lý 5.483 tấn rác thải hạt nhân cho ngành công nghiệp hạt nhân Đức trong khuôn khổ một hợp đồng lớn nhất ở nước ngoài của Areva. Trong lần vận chuyển rác hạt nhân từ Pháp sang Đức năm 2010, đoàn tàu đã bị người biểu tình Pháp chặn trong ba ngày và bị ngừng trệ một ngày tại Đức. Sau tai nạn hạt nhân tại Nhà máy Fukushima Daiichi ở Nhật, chính quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel đã quyết định đóng cửa toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2022.
Tuy nhiên, các quan chức Đức vẫn chưa trả lời được câu hỏi nên chứa rác thải hạt nhân ở đâu vĩnh viễn. Các nhà hoạt động vì môi trường cho rằng kho chứa Gorleben hiện rất không an toàn.

Theo TTO
Tin xem nhiều