Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh báo về thời kỳ suy thoái kinh tế mới trong EU <br>* Thượng viện Italia thông qua các biện pháp ổn định nền kinh tế

12:11, 12/11/2011

Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách các vấn đề kinh tế Olli Rehn ngày 11-11 cảnh báo khủng hoảng nợ công đang đẩy khu vực này vào một thời kỳ suy thoái mới.

EU
Ảnh minh họa

Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách các vấn đề kinh tế Olli Rehn ngày 11-11 cảnh báo khủng hoảng nợ công đang đẩy khu vực này vào một thời kỳ suy thoái mới.
Ông Rehn cho biết tăng trưởng kinh tế trong EU đã ngừng trệ và khu vực này có nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm 2012 vì "vòng luẩn quẩn nguy hiểm" gồm nợ công, ngân hàng phá sản và cắt giảm chi tiêu ngân sách nhà nước. Dự báo của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy Khu vực đồng euro, bao gồm phần lớn các đầu tàu kinh tế trong EU, chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế 0,5% trong năm 2012, giảm mạnh so với mức dự báo 1,8% trước đó.
Đối với Italia, nước được coi là "con bài domino" khủng hoảng nợ công tiếp theo trong Khu vực đồng euro, EC cho biết tăng trưởng kinh tế của quốc gia này chỉ đạt 0,1% trong năm 2012, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 0,7% trước đó. EC cảnh báo Italia sẽ không đạt mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm 2013 do kinh tế gần như ngừng trệ, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt có thể hủy hoại nền kinh tế lớn thứ ba trong Khu vực đồng euro này trong vài tháng tới. Italia cũng không thể giảm thâm hụt ngân sách nhà nước xuống 1,6% GDP trong năm tới, tỷ lệ này thay vào đó sẽ tăng lên 2,3%. Theo EC, Roma cần thực hiện thêm các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" để đáp ứng mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm 2013.
Trong một dấu hiệu cho thấy sự bất an của thị trường đối với kinh tế Italia, lãi suất chính phủ kỳ hạn 10 năm của nước này ngày 9-11 đã lên đến 7,0%. Trong đợt phát hành sau đó một ngày, Roma cũng phải chịu mức lãi suất hơn 6,0% đối với trái phiếu chính phủ kỳ hạn 1 năm. Các nhà lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và EU kêu gọi Italia sớm chỉ định thủ tướng mới thay ông Silvio Berlusconi vừa tuyên bố từ chức để chấm dứt tình trạng phí tổn vay mượn tăng vọt.
Trong một diễn biến liên quan, với 156 phiếu thuận trên tổng số168, Thượng viện Italia ngày 11-11 đã thông qua dự thảo luật nhằm ổn định tình hình kinh tế đất nước, trong đó có các biện pháp chống khủng hoảng đã cam kết với lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU). Theo kế hoạch, dự thảo luật này sẽ được đưa ra Hạ viện thông qua vào ngày 12-11.
Các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm chi công được đưa ra trong văn bản luật này điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội. Cụ thể, dự thảo luật xem xét việc tự do hóa các quy định luật pháp đối với các cơ quan cung cấp các dịch vụ công ở địa phương, cải cách lao động, tăng việc làm cho phụ nữ và tầng lớp thanh niên, cải cách chế độ hưu trí, theo đó từ năm 2026 độ tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ là 67 tuổi.
Việc thông qua dự thảo luật này là một phần cam kết của Italia tiến hành chính sách "thắt lưng buộc bụng" đã đưa ra với EU để đổi lại các khoản trợ giúp tài chính trong bối cảnh nợ công của nước này đã lên tới gần 1.900 tỷ euro, tương đương 120% GDP.
Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi ngày 8-11 tuyên bố ông sẽ từ chức sau khi các biện pháp ổn định nền kinh tế chính thức được thông qua.

(Theo BBC, AFP)
Tin xem nhiều