Trong một báo cáo công bố ngày 14/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định rằng tăng trưởng trong năm 2011 và 2012 của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ chậm hơn dự kiến, vì các đối tác thương mại chính đã giảm số đơn đặt hàng trong bối cảnh những lo ngại về đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Trong một báo cáo công bố ngày 14/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định rằng tăng trưởng trong năm 2011 và 2012 của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ chậm hơn dự kiến, vì các đối tác thương mại chính đã giảm số đơn đặt hàng trong bối cảnh những lo ngại về đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Nghiên cứu của ADB cho thấy các nền kinh tế trong khu vực sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2011, giảm so với mức dự kiến 7,8% đưa ra hồi tháng Tư; và duy trì ở mức 7,5% vào năm 2012, giảm so với mức dự kiến 7,7%.
Theo ADB, lượng cầu giảm tại Mỹ và châu Âu tiếp tục phủ bóng đen lên toàn khu vực khi xuất khẩu, vốn là động lực tăng trưởng các nền kinh tế châu Á, kể cả Trung Quốc, sẽ thực sự sụt giảm. Tuy nhiên, người đứng đầu nhóm chuyên gia kinh tế của ADB, ông CChangyong Rhee cho biết thêm rằng sự gia tăng sức tiêu dùng trong nước và trao đổi thương mại nội khu vực sẽ giúp duy trì mức tăng trưởng bền vững tại các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á. Theo báo cáo trên, tăng trưởng xuất khẩu của một số nền kinh tế châu Á vào Trung Quốc cao hơn so với sang các nước khác. Thị phần trao đổi thương mại khu vực giữa các nền kinh tế lớn nhất châu Á đã tăng 47% trong nửa đầu năm 2011, tăng 42% so với năm 2007.
Tuy nhiên, ADB cũng cảnh báo giá cả leo thang vẫn là một mối đe dọa, với tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế đang phát triển của châu Á dự kiến đạt mức trung bình 5,8% trong năm 2011, tăng so với mức 5,3% dự báo hồi tháng Tư. ADB cho rằng con số này có thể giảm xuống còn 4,6% vào năm 2012 song các ngân hàng trung ương sẽ vẫn cần theo dõi sát và khi cần nên có hành động đối phó. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết mối lo ngại về dòng tiền nóng tràn ngập khu vực đã được giải tỏa khi các dòng vốn "chảy" chậm hơn trong những tháng qua, song vẫn còn nguy cơ khi các nền kinh tế phát triển phục hồi và các thị trường nợ ổn định trở lại.
Theo ADB, khu vực Đông Á - bao gồm các nền kinh tế Hồng Công, Đài Loan, Trung Quốc Lục địa và Hàn Quốc- vẫn là các động lực kinh tế chính cho châu Á, với dự báo tăng trưởng đạt 8,1% trong năm nay. ADB cho biết thêm rằng con số này có thể giảm xuống còn 8% vào năm 2012 khi cỗ máy kinh tế Trung Quốc "giảm tốc". Trong khi đó, khu vực Nam Á sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm 2011, 7,7% vào năm 2011, với lạm phát ở mức 9,1%. Còn tăng trưởng tại Đông Nam Á và Trung Á sẽ giảm nhẹ xuống còn lần lượt 5,4% và 6,1% trong năm 2011; trước khi tăng trở lại đạt 5,6% và 6,6% vào năm 2012. Tại khu vực Thái Bình Dương, Papua Niu Ghinê, Timo Létxte và Xôlômôn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng khu vực này đạt 6,4% trong năm 2011.