Các nguồn tin ngoại giao cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 30/8 đã cho phép Anh giải tỏa khoản tiền trị giá 1,6 tỷ USD mà nước này phong tỏa của Libya để mua hàng cứu trợ cho quốc gia Bắc Phi này.
Các nguồn tin ngoại giao cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 30/8 đã cho phép Anh giải tỏa khoản tiền trị giá 1,6 tỷ USD mà nước này phong tỏa của Libya để mua hàng cứu trợ cho quốc gia Bắc Phi này.
Tại Libya tình hình chiến sự vẫn rất căng thẳng. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết, việc giải tỏa khoản tiền này là một bước tiến lớn trong việc hỗ trợ người dân Libya.
Ông cho biết, khoản tiền này sẽ được dùng để giải quyết các nhu cầu nhân đạo khẩn cấp của người dân Libya, chi trả lương cho công nhân làm tại các khu vực chốt, giúp xây dựng lại lòng tin vào khu vực ngân hàng và tăng khả năng thanh toán cho nền kinh tế Libya.
Anh đã phong tỏa số tiền này theo lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
Hiện Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đang xem xét đề nghị của Đức và Pháp về giải tỏa lần lượt các khoản tiền 1,4 tỷ USD và 7,2 tỷ USD của Libya đang bị hai nước này phong tỏa.
Các khoản tiền này dự kiến sẽ được dùng vào việc mua sắm hàng hóa nhân đạo và duy trì các dịch vụ cần thiết ở Libya.
Trong khi đó, Canađa cho biết, nước này cũng đang xem xét giải tỏa khoản tiền hơn 2 tỷ USD của Libya đang bị phong tỏa tại ngân hàng nước này nhằm thực hiện các hoạt động tái thiết Libya.
Người phát ngôn Thủ tướng Canada cho biết, Ottawa sẽ đánh giá các hành động của NTC và xem xét giải tỏa, đưa khoản tiền này vào sử dụng.
Tuần trước, Mỹ đã được phép giải tỏa khoản tiền 1,5 tỷ USD phong tỏa của Libya để gửi về quốc gia Bắc Phi này.
Một quan chức Liên hợp quốc cho biết, khoản tiền đầu tiên trị giá 110 triệu USD từ khoản này đã được giải ngân.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng đề nghị Hội đồng Bảo an khẩn trương chấp thuận các yêu cầu tài chính của Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) của Libya do tình trạng thiếu thốn các mặt hàng như y tế, thực phẩm gia tăng mạnh tại Libya đòi hỏi Liên hợp quốc cần có những hành động khẩn trương.
Trong một diễn biến khác, Đặc phái viên của Liên hợp quốc phụ trách kế hoạch hậu chiến ở Libya Ian Martin ngày 30/8 cho biết, lãnh đạo NTC đã từ chối đề nghị triển khai lực lượng quân sự cũng như quan sát viên quốc tế tới nước này.
Trả lời báo giới sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Martin cho biết NTC muốn tránh bất kỳ hoạt động triển khai quân sự nào của Liên hợp quốc.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 30/8, người phát ngôn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Oana Lungescu tuyên bố ,mặc dù chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đang sụp đổ, song sứ mệnh của NATO tại Libya sẽ vẫn tiếp tục và đóng vai trò quan trọng vì "các lực lượng trung thành với ông Gaddafi vẫn là mối đe dọa đối với dân thường."
Cùng ngày đã xuất hiện một số tin đồn rằng, ông Gaddafi có thể sẽ sống lưu vong ở Zimbabwe hoặc Angola sau khi có một thỏa thuận về vấn đề này ở Nam Phi.
Theo thông báo của NTC, khoảng 50.000 người ở Libya đã thiệt mạng kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy nhằm lật đổ chế độ của ông Gaddafi sáu tháng trước./.