Quyết tâm bắt cho bằng được Nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, phe nổi dậy Libya cho biết họ vừa thành lập một đơn vị đặc nhiệm săn lùng ông này.
Quyết tâm bắt cho bằng được Nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, phe nổi dậy Libya cho biết họ vừa thành lập một đơn vị đặc nhiệm săn lùng ông này. Đơn vị đặc nhiệm sẽ có nhiệm vụ truy tìm dấu vết của ông Gaddafi bằng các hình thức như nghe trộm những cuộc điện thoại của các cố vấn của ông này, phân tích các hình ảnh vệ tinh và phỏng vấn các nhân chứng.
Phe nổi dậy Libya ăn mừng chiến thắng tại mặt trận Bani Walid ngày 8-9. |
Các hoạt động truy tìm ông Gaddafi của phe nổi dậy hiện giờ chủ yếu nhờ vào sự giúp đỡ từ những thông báo của người dân. NATO cũng giúp phe nổi dậy Libya săn lùng ông Gaddafi bằng các hoạt động tình báo và các thiết bị dò tìm tối tân nhất. Tuy nhiên, cho đến nay, ông Gaddafi vẫn bặt vô âm tín một cách bí ẩn.
Lần theo dấu vết
Sau khi Tripoli thất thủ, Gaddafi trốn chạy giữa hàng loạt tin đồn đoán về nơi ẩn náu của nhà cựu độc tài này, từ hầm ngầm ở thủ đô Tripoli, tới khả năng chạy sang Niger hay Algeria sống lưu vong.
Một chiến binh phe nổi dậy cho hay lực lượng cách mạng đã tấn công như vũ bão vào một căn biệt thự ở ngoại ô Tripoli hồi cuối tuần trước. Họ tin rằng Gaddafi đang trú ẩn tại đó, tuy nhiên ông này trốn thoát được chỉ một giờ trước khi cuộc đột kích diễn ra. Máy tính vẫn đang bật, cốc trà trên bàn vẫn còn ấm chứng tỏ chủ nhân của chúng vừa mới trốn chạy. Hai đầu bếp làm việc trong biệt thự bị bắt giữ.
Anis Sharif, người phát ngôn hội đồng quân sự Tripoli cho biết đã thành lập một đơn vị gồm hơn 200 binh lính đặc nhiệm để truy bắt Gaddafi với sự hỗ trợ của lực lượng điều hành ở thủ đô. Ông cho biết đã xác định được vị trí của Gaddafi (nhưng không nói tại đâu) và việc bắt giữ chỉ còn là vấn đề thời gian.
"Chúng tôi đang theo dõi dấu vết của Gaddafi. Ông ta đang di chuyển trong một đoàn xe hộ tống nhỏ để tránh mọi chú ý của NATO hay phe nổi dậy. Tuy nhiên chúng tôi đã phát hiện và khoanh vùng khu vực 60km2 nơi ông ta đang di chuyển. Ông ta luôn cố gắng không ở cùng một nơi hơn 2 hoặc 3 tiếng".
Lực lượng đặc nhiệm sử dụng công nghệ và đầu mối của những nhân chứng để xác định vị trí chính xác của Gaddafi. Họ lần theo dấu vết những cuộc gọi của những phụ tá thân cận và ảnh vệ tinh.
Trong khi đó NATO hỗ trợ giới lãnh đạo mới của Libya bằng cách cung cấp một loạt tài liệu tình báo mặc dù NATO vẫn bác bỏ thông tin rằng Gaddafi là mục tiêu của liên minh này. Tình báo Pháp cho hay nước này hỗ trợ chủ yếu bằng cách chặn các cuộc liên lạc viễn thông. Trong cuộc chiến Libya, Pháp có khoảng 50 lực lượng đặc nhiệm mặt đất, được rút ra từ cơ quan tình báo quân đội DGSE.
Chưa biết Gaddafi đang ở đâu.
3 lựa chọn
Quan chức CIA cho rằng, một trong những chìa khoá để theo dõi Gaddafi là phải nghiên cứu ông ta đã làm những gì trong quá khứ. Năm 1986, khi Mỹ dội bom xuống Tripoli và Benghazi, Gaddafi lại đi đến thành phố Sabha.
Nằm ở vùng núi cách phía nam thủ đô Tripoli khoảng 650km, Sabha là đường thoát dễ nhất đối với Gaddafi để đến Algeria hoặc Niger. Tuy nhiên, bất cứ nước nào chứa chấp Gaddafi đều sẽ bị sức ép quốc tế để đưa ông ta ra Toà án Hình sự quốc tế.
Một lựa chọn khác là Bani Walid, cách phía đông nam Tripoli 140km. Lúc này các chiến binh đã bao vây thành phố, cố gắng đàm phán để Gaddafi đầu hàng. Hai chiến binh thân cận với giới lãnh đạo mới của Libya tin rằng chính mắt họ đã nhìn thấy Gaddafi trong thành phố.
Khả năng thứ ba là Sirte, thành phố quê hương Gaddafi và là căn cứ bộ lạc của nhà lãnh đạo bị lật đổ Gadhadhfa. Bộ lạc này được hưởng lợi rất nhiều trong những năm Gaddafi cầm quyền, mặt khác Gaddafi cũng dựa nhiều vào họ.
Al-Hadi Embarish, một binh sĩ tham gia cuộc đảo chính năm 1969 đưa Gaddafi lên nắm quyền kể rằng ông ta đã nói chuyện với Gaddafi qua điện thoại hôm 20.8, trước khi phe nổi dậy tràn vào thủ đô. Lúc đó Gaddafi vẫn đang ở dinh thự Bab al-Aziziya ở Tripoli. Embarish không ngạc nhiên vì Gaddafi trốn thoát bởi "ông ta đã lập kế hoạch từ năm 1969".