Ngày 23/8, Nga quyết định tạm ngừng sử dụng tên lửa đẩy Proton-M sau khi tên lửa này đưa vệ tinh viễn thông Express-AM4 nhiều hứa hẹn lên sai quỹ đạo trong vụ phóng cách đây 5 ngày.
Ngày 23/8, Nga quyết định tạm ngừng sử dụng tên lửa đẩy Proton-M sau khi tên lửa này đưa vệ tinh viễn thông Express-AM4 nhiều hứa hẹn lên sai quỹ đạo trong vụ phóng cách đây 5 ngày.
Tên lửa đẩy Proton-M. (Nguồn: Internet) |
Các phương tiện thông tin đại chúng đánh giá Express-AM4 là một trong những loại vệ tinh lớn và nhiều triển vọng nhất châu Âu liên quan lĩnh vực truyền hình kỹ thuật số và kế hoạch đảm bảo liên lạc giữa Chính phủ Nga với vùng các Syberia và Viễn thông của nước này.
Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga (Roskosmos) cho biết sự cố trong vụ phóng vệ tinh Express-AM4 xảy ra có thể do trục trặc tại tầng trên Briz-M của tên lửa đẩy Proton-M mà Nga vẫn sử dụng để phóng các vệ tinh quân sự. Vì vậy, việc chuẩn bị cho các vụ phóng loại tên lửa này và tầng trên Briz-M tạm thời được đình hoãn cho đến khi các nguyên nhân dẫn đến vụ phóng vệ tinh bất thành được làm sáng tỏ.
Theo một quan chức không nêu tên của Roskosmos, quyết định này có hiệu lực đối với tất cả các kế hoạch phóng sử dụng tên lửa đẩy Proton-M chưa được thực hiện, nhưng không ảnh hưởng đến kế hoạch phóng vệ tinh liên lạc Glonass, dự kiến diễn ra trong tuần này.
Các quan chức Roskosmos cũng cho biết họ đang tìm cách xác định vị trí chính xác của vệ tinh Express-AM4 với sự trợ giúp của Bộ chỉ huy phòng không Bắc Mỹ, trong khi một nhóm chuyên gia đang theo dõi xem vệ tinh này có đi vào đúng quỹ đạo đã định trước không.
Nga sử dụng tên lửa đẩy Proton-M từ thời Liên Xô và đã nhiều lần nâng cấp để mở rộng và kéo dài thời hạn sử dụng loại tên lửa đẩy này. Một trong những nâng cấp của Proton-M là tầng trên Briz-M, có thể đưa các thiết bị vào các quỹ đạo xa hơn./.