Trung Quốc hôm qua đã lên tiếng bác bỏ đề nghị của Philippines để cho Tòa án Quốc tế về Luật Biển phân xử về tranh chấp mâu thuẫn chủ quyền tại Biển Đông, cho rằng vấn đề “chỉ nên được giải quyết một cách trực tiếp giữa các nước với nhau”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi bác đề nghị của Manila. |
Trung Quốc hôm qua đã lên tiếng bác bỏ đề nghị của Philippines để cho Tòa án Quốc tế về Luật Biển phân xử về tranh chấp mâu thuẫn chủ quyền tại Biển Đông, cho rằng vấn đề “chỉ nên được giải quyết một cách trực tiếp giữa các nước với nhau”.
Philippines là một trong những quốc gia đã phản ứng mạnh trước thái độ bị đánh giá là quá đáng của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông, và liên tiếp chủ trương đưa tranh chấp này ra trước quốc tế. Tháng 4 vừa qua, Manila đã chính thức phản đối các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông trước LHQ.
Tuần trước, nhân chuyến đi thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã kêu gọi hai bên cùng đưa vấn đề ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển để phân xử. Tòa án là một cơ quan tư pháp độc lập được thành lập trong khuôn khổ Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Trung Quốc lẫn Philippines đều đã ký kết.
Theo giới phân tích, nguyên nhân thúc đẩy Bắc Kinh bác bỏ việc đưa tranh chấp Biển Đông ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển xuất phát từ hai điểm. Trước hết, đó là vì đòi hỏi của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý vững chắc, cho nên, nếu ra trước Tòa thì họ sẽ bị thua.
Một nguyên nhân khác là Trung Quốc không muốn vấn đề Biển Đông bị quốc tế hóa khi chấp nhận thẩm quyền tài phán của một định chế quốc tế, mà chỉ muốn xử lý hồ sơ một cách song phương để dễ dàng dùng uy thế nước lớn gây sức ép trên các láng giềng.
Dư luận phương Tây cho rằng việc Trung Quốc hôm qua bác bỏ đề nghị của Philippines có thể được xem là một dẫn chứng mới về việc Bắc Kinh sẵn sàng phủ nhận giá trị của UNCLOS vì quyền lợi của riêng mình.