Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận việc khiếu kiện Trung Quốc, nước sản xuất tới 90% sản lượng đất hiếm của thế giới, lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì đã áp dụng quy chế xuất khẩu đất hiếm không phù hợp khiến cho giá cả tăng vọt.
Khai thác đất hiếm ở Trung Quốc. (Nguồn: Internet) |
Tuy nhiên, do cần có thời gian nhất định để khiếu kiện, phía Nhật Bản đang thu xếp để Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Banri Kaieda thăm Trung Quốc và yêu cầu phía Trung Quốc cải thiện tình hình.
Sau khi xử lý khiếu kiện của Mỹ và châu Âu về việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đối với tám loại khoáng sản, trong đó có các kim loại hiếm như magiê và mangan, Ủy ban giải quyết tranh chấp của WTO hồi tháng Năm nhận định Trung Quốc đã vi phạm quy định của WTO và tuần trước đã ra phán quyết về vấn đề này.
Chính phủ Nhật Bản cũng muốn áp dụng biện pháp xử lý tranh chấp này để giải quyết vấn đề đất hiếm.
Với lý do ngăn chặn sự hủy hoại môi trường và bảo vệ nguồn tài nguyên, trong sáu tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã giảm hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm xuống mức bằng khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài việc đặt ra mức trần cho lượng đất hiếm xuất khẩu, Trung Quốc còn áp đặt thuế xuất khẩu và tăng giá xuất khẩu đất hiếm.
METI đang tiến hành điều tra kỹ xem các quy chế của Trung Quốc có vi phạm quy định của WTO hay không.
Bộ trưởng METI Kaieda đã bày tỏ ý muốn thăm Bắc Kinh để tìm lời giải đáp cho sự khác biệt lớn về giá đất hiếm giữa trong và ngoài Trung Quốc.
Trong mùa Thu năm ngoái, khi xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc trên thực tế đã bị đình chỉ do vụ va chạm giữa tàu đánh cá Trung Quốc với tàu tuần tra của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku, cựu Bộ trưởng METI Akihiro Ohata đã hội đàm với Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc và yêu cầu phía Trung Quốc cải thiện tình hình.
Sau đó, việc hạn chế xuất khẩu đã được dỡ bỏ và Chính phủ Nhật Bản đang hy vọng vào các cuộc thương lượng cấp bộ trưởng như vậy để giải quyết vấn đề.
Việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm trong năm ngoái đã làm giảm mạnh nguồn cung trên toàn cầu, khiến giá cả tăng vọt. Giá kim loại này đầu tháng Bảy đã tăng rất cao, trong đó neodym dùng trong sản xuất động cơ EV tăng gấp chín lần so với cùng kỳ năm ngoái và lanthan dùng trong sản xuất điện thoại di động tăng gấp 17 lần.
Một công ty thương mại Nhật Bản cho rằng giá giao dịch sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 14/7 đã công bố hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm cho sáu tháng cuối năm nay là 15.738 tấn, tăng 97,3% so với mức 7.976 tấn của cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, tổng mức xuất khẩu cả năm sẽ là 30.184 tấn, vẫn giảm 0,2% so với 30.258 tấn của năm trước và chỉ bằng một nửa so với năm 2007.
Nước này đã cắt giảm tới 72% mức xuất khẩu tối đa trong nửa cuối năm 2009.
Mặc dù vậy, người phát ngôn các vấn đề thương mại của Liên minh châu Âu (EU), John Clancy, cho rằng vẫn không có gì thay đổi trong lượng đất hiếm mà Trung Quốc xuất khẩu hàng năm tới châu lục này.
Châu Âu mong muốn Trung Quốc xem xét lại chính sách hạn chế xuất khẩu kim loại này để đảm bảo các nước nhập khẩu có thể tiếp cận nguồn cung một cách đầy đủ, công bằng, chủ động và không bị phân biệt đối xử.
Sau phán quyết tuần trước của WTO, Ủy viên thương mại của EU, Karel De Gucht, nói EU, Mỹ và Mexico muốn các nguyên tắc mà Ủy ban giải quyết tranh chấp của WTO lấy làm căn cứ trong phán quyết này cũng sẽ được áp dụng với trường hợp đất hiếm.
Ông cho rằng Trung Quốc không thể viện cớ bảo vệ môi trường cho việc hạn chế xuất khẩu nếu không đồng thời giảm mức tiêu thụ trong nước, khi nước này sản xuất tới 118,9 tấn đất hiếm trong năm 2010.
EU, Mỹ và Mexico cho rằng Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu thô dùng trong công nghiệp, trong đó có đất hiếm, nhằm tạo lợi thế không công bằng cho các nhà sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định chính sách hạn chế xuất khẩu đất hiếm mà nước này là phù hợp với các quy định của WTO và lo ngại của các nước về ảnh hưởng của chính sách này đối với an ninh quốc gia và kinh tế của nước họ là thiếu cơ sở.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, Trần Đức Minh, ngày 14/7 nói nước này không hề quan ngại trước bất kỳ thách thức tiềm tàng nào đến từ WTO đối với chính sách đất hiếm.
Ông cho rằng việc giải quyết vấn đề đất hiếm sẽ không cần đến sự can dự của WTO, vì Trung Quốc đã tiến hành một số cuộc thương lượng với EU và hy vọng sẽ đạt được giải pháp./.
Vietnam+