Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 15/7, giá dầu đã biến động trái chiều trên thị trường châu Á trong bối cảnh được hỗ trợ bởi doanh số bán lẻ tốt hơn dự kiến của Mỹ cùng làn sóng săn lùng mua vào sau mấy phiên sụt giảm vừa qua.
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 15/7, giá dầu đã biến động trái chiều trên thị trường châu Á trong bối cảnh được hỗ trợ bởi doanh số bán lẻ tốt hơn dự kiến của Mỹ cùng làn sóng săn lùng mua vào sau mấy phiên sụt giảm vừa qua.
Giao dịch giá dầu tại thị trường chứng khoán New York. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Theo các nhà phân tích, nhân tố chủ yếu đưa giá dầu đi lên trong phiên này là thông tin về doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng Sáu đã bất ngờ tăng 0,1%.
Trước đó, phần lớn giới phân tích đều dự báo rằng doanh số bán lẻ tại quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới này giảm 0,2% trong tháng Sáu.
Ben Westmore, chuyên gia năng lượng tại Ngân hàng Quốc gia Australia (trụ sở tại Melbourne) nhận định, hiện tại chưa thể nói được rằng giá dầu đã chuyển sang một bước ngoặt, song dựa trên một số số liệu vi mô của nền kinh tế Mỹ, trong đó doanh số bán lẻ tốt hơn dự kiến chỉ là một, thì có thể thị trường đang bước vào một đợt tăng nhẹ.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 14/7 trên thị trường New York và London, giá dầu cũng đã sụt giảm mạnh do những lo ngại về khả năng nuớc Mỹ có thể vỡ nợ nếu Quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận về việc nâng trần khoản nợ hàng nghìn tỷ USD của nước này, cũng như nguy cơ lan rộng của cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực Eurozone.
Theo giới chuyên gia, việc giá dầu quay đầu giảm sâu sau hai phiên tăng trước đó cho thấy, các nhà đầu tư lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài và chưa có lối thoát của khu vực Eurozone có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu trên toàn cầu.
Chốt phiên ngày 14/7 trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt, nhẹ New York giao tháng 8/2011 giảm 2,36 USD xuống 95,69 USD/thùng, trong khi tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ lại giảm 46 xu xuống 118,32 USD/thùng.
Đà suy giảm của giá dầu bắt đầu khi lãnh đạo các nước Eurozone đề xuất một cuộc họp thượng đỉnh về cuộc khủng hoảng nợ của khu vực và Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cảnh báo rằng, nước Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi vấn đề nợ công của châu Âu.
Các nhà đầu tư hoảng loạn đã bán tống các trái phiếu nợ của chính phủ Italy và Hy Lạp, đe dọa hai nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư này của Eurozone, bất chấp việc các quan chức châu Âu đang tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp./.