Niên giám mới nhất của Ủy ban Kinh tế và Xã hội vì châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) cho biết tiến trình đô thị hóa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang làm tăng đói nghèo và tốc độ đô thị hóa càng tăng cao thì tình trạng đói nghèo càng nghiêm trọng hơn.
Niên giám mới nhất của Ủy ban Kinh tế và Xã hội vì châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (ESCAP) cho biết tiến trình đô thị hóa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang làm tăng đói nghèo và tốc độ đô thị hóa càng tăng cao thì tình trạng đói nghèo càng nghiêm trọng hơn.
Theo niên giám, năm 2008 trở thành năm đầu tiên trong lịch sử thế giới có số người sống ở các thành phố nhiều hơn số người ở nông thôn. Mặc dù khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cùng với châu Phi, vẫn là một trong những khu vực ít đô thị hóa nhất thế giới song số dân cư sống ở thành thị lại tăng nhanh nhất trong 15 năm qua. Hiện tại số người sống ở các thành thị ở châu Á - Thái Bình Dương là 41%, tăng mạnh so với 33% của năm 1990. Các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng là nơi có tốc độ di dân ra thành thị rất cao.
Giám đốc Cơ quan Thống kê của ESCAP, ông Pietro Gennari, cho rằng việc người dân nông thôn đổ xô ra thành phố đang tác động đến chất lượng cuộc sống của người dân vì ngày càng có nhiều người phải sống trong các khu nhà ổ chuột, và khả năng tiếp cận các nguồn nước sạch và vệ sinh bị hạn chế hơn. Theo thống kế, ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cứ 5 người sống ở thành thị thì có 2 người sống trong các khu ổ chuột. Tỷ lệ này ở châu Phi là 3/5.
Ông Gennari nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế một mặt tạo ra những tác động xã hội tích cực nhưng mặt khác cũng gây tác hại cho môi trường, một phần do việc tiêu thụ năng lượng đang tăng nhanh chóng. Mức tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người ở châu Á-Thái Bình Dương đã tăng hơn 2 lần trong giai đoạn 1990 - 2004, mức tăng nhanh nhất thế giới. Ngoài ra, tỷ lệ ô tô hóa - được tính bằng số lượng ô tô con trên 1.000 người - cũng gia tăng đáng kể tại khu vực này. Bên cạnh những lợi ích như tạo thuận lợi hơn trong việc đi lại và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, số lượng ô tô con tăng nhanh là nguyên nhân làm tăng mức độ ô nhiễm và tai nạn giao thông...
TTXVN